Bãi rác Nam Sơn - Hà Nội: Đảm bảo vận hành, không “lúng túng” trước dịch bệnh Covid-19
Môi trường - Ngày đăng : 06:18, 31/05/2021
Công nhân URENCO8 phun vật liệu phủ bãi Posi-Shell để đảm bảo môi trường ở bãi rác Nam Sơn - Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng |
Đợt dịch Covid-19 thứ tư đang trở nặng và lan rộng đến 34 tỉnh, thành cả nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và mọi mặt của xã hội; ảnh hưởng nặng nề đến một số địa phương.
Ở vị trí trung tâm của cả nước, Hà Nội là địa phương luôn đặt trong rủi ro phát sinh ổ dịch cao, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, trong đó có Khu Liên hợp Xử lý chất thải Nam Sơn - 1 trong 2 khu tiếp nhận rác lớn nhất thành phố Hà Nội.
Từ kinh nghiệm rút ra qua các đợt nghẽn ứ hay các đợt dịch trước đây, Khu LHXLCT Nam Sơn đã xác định lấy khó khăn làm bài học quyết tâm. Bởi theo Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng: “Càng vào những đợt dịch, nhu cầu xử lý rác càng đòi hỏi cấp bách hơn. Việc ứ đọng rác, nhất là rác phác sinh từ các ổ dịch âm thầm chưa được phát hiện sẽ vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, quyết tâm của chúng tôi đặt ra là phải tiếp nhận vận hành thông suốt và luôn xác định đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp mùa Covid là một yêu cầu cấp thiết đặt ra góp phần phòng chống dịch Covid trên địa bàn”.
Rủi ro từ dịch Covid-19 là một nguy cơ cao không loại trừ, nhất là tiếp nhận vận hành trong mùa dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn và duy trì tích cực hơn nữa năng suất lao động trong mùa dịch, Ban Quản lý Khu LHXLCT Nam Sơn đã có những giải pháp, kịch bản vận hành sản xuất trong mùa Covid.
Thay mặt lãnh đạo Công ty, Phó Tổng Giám đốc URENCO Phạm Văn Đức tặng quà công nhân URENCO 8 để động viên tinh thần sản xuất trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Văn Hòa |
Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của trên
Nắm bắt tình hình có thể xảy ra làn sóng lây nhiễm sau một thời gian dài bình yên, đặc biệt là sau những đợt nghỉ lễ nhiều nơi tụ tập đông người, từ ngày 27/4/2021, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có công điện số 03/CD-CT về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, ngày 5/5/2021, UBND ra Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Về phía Công ty MTĐT Hà Nội, đồng thời ra các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các công ty trực thuộc, công ty con và công ty liên kết: Thông báo số 583/TB-MTĐT, Thông báo số 612/TB-MTTĐT, Thông báo 620/TB-MTĐT, Thông báo 644/TB-MTĐT về thực hiện phòng chống dịch bệnh, về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống trong tình hình mới, về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch trong Công ty và thực hiện cách ly tại nhà đối với người lao động đến từ địa phương có dịch…
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Công ty MTĐT Hà Nội, để tăng cường các biện pháp phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh đồng thời đảm bảo duy trì vận hành sản xuất, Khu LHXLCT Nam Sơn (Chi nhánh Nam Sơn) đã xây dựng kế hoạch phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh Covid, đã ban hành Thông báo 131, Công văn 133, Quyết định 144, Quyết định 145 và Thông báo 149, trong đó, nội dung tập trung tiếp tục, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại Khu LHXLCT Nam Sơn; kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác phòng và chống, ứng phó dịch bệnh, thành lập Tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và xây dựng kịch bản chuyển trạng thái trong điều kiện nguy cơ.
Xe trung chuyển đổ rác vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Việt Hùng |
Mục tiêu đặt ra là huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị vào việc phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh; Thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động tự phòng cho bản thân, gia đình và cộng đồng; Phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm để kịp thời xử lý, kiên quyết không để xảy ra dịch trong cơ quan và trên địa bàn, đảm bảo sản xuất trong điều kiện an toàn nhất.
Cùng với phổ biến, tuyên truyền các chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện Sóc Sơn, Công ty MTĐT Hà Nội và các cơ quan y tế chuyên ngành; Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn, đặc biệt với các cơ sở y tế như các trạm y tế xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ; Phòng khám đa khoa Hồng Kỳ; Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn; … trong các hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người lao động và gia đình người lao động, người dân trên địa bàn, đặc biệt là người lao động của các đơn vị thi công các hạng mục công trình trong Khu liên hợp về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh.
Đặc biệt, nắm bắt kịp thời, đầy đủ các trường hợp nghi nhiễm, người di chuyển từ vùng có dịch tới kể cả người thân cán bộ, công nhân trong Công ty để phối hợp với các cơ quan y tế trong việc quản lý, không để dịch xâm nhập và lây lan trong Khu liên hợp.
Rác thải đổ về bãi rác Nam Sơn trước khi được xử lý phun vật liệu phủ bãi Posi-Shell và trải bạt phủ kín. Ảnh: Việt Hùng |
Giải pháp và giải pháp
Cùng với tăng cường công tác truyền thông về tác hại của dịch bệnh và biện pháp phòng tránh, BQL đặc biệt quan tâm đến hoạt động phòng ngừa dịch bệnh, đề ra các giải pháp thực hiện.
Đã hướng dẫn người lao động cách tự theo dõi sức khỏe, khai báo khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt cho những người đến và về từ vùng có dịch. Hướng dẫn người lao động thực hiện giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng; sử dụng khẩu trang đúng cách. Hướng dẫn người lao động chủ động tự tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Khi làm việc phải mang đủ các trang bị bảo hộ lao động như quần áo bảo hộ, mũ, kính, khẩu trang, găng tay và thực hiện khử khuẩn, vệ sinh thân thể ngay sau khi kết thúc công việc. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, phải thông báo ngay cho Y tế công ty hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Hàng ngày, đơn vị chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay… tại các vị trí sinh hoạt chung. Đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch; thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn tại văn phòng, nhà ăn tập thể, nhà ở tập thể công nhân.
Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở bằng cách mở các cửa ra, vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, các dung dịch khử khuẩn khác.
Nhân viên y tế bắt buộc phải sử dụng đồ bảo hộ y tế; khi tiếp xúc, kiểm tra sức khỏe cho người lao động phải sử dụng bao tay y tế, khẩu trang, trang phục y tế; phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và giọt bắn khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính… thường xuyên sát khuẩn để tránh lây nhiễm.
Tất cả rác thải sau khi phun vật liệu phủ bãi Posi-Shell sẽ được phủa bạt để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Ảnh: Việt Hùng |
Kịch bản vận hành sản xuất
Trong trường hợp có nghi nhiễm hoặc nhiễm xảy ra tại Công ty, đồng loạt kích hoạt ngay kịch bản phòng chống, dập dịch, khoanh vùng cách ly, vừa dập dịch vừa đảm bảo sản xuất.
Theo kịch bản, để ứng phó với dịch trong trường hợp có người ho, sốt hoặc có các biểu hiện nghi ngờ, ngay lập tức phải thực hiện cách ly, khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc để thực hiện cách ly riêng, khử khuẩn và thông báo khẩn cho cơ quan y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời. Đồng thời thông tin kịp thời đến người lao động và giải thích rõ các biện pháp đã thực hiện, tránh gây hoang mang xáo trộn tâm lý ảnh hưởng đến sản xuất.
Đảm bảo sản xuất trong điều kiện con người phải cách ly, lực lượng lao động giảm sút đòi hỏi phải có sự chủ động chuyển trạng thái. Để chủ động ứng phó, Ban Quản lý Khu liên hợp Nam Sơn đã xây dựng giải pháp, đề ra những biện pháp cụ thể như: chuyển các đối tượng tiếp xúc với người nghi nhiễm phải cách ly sang cùng một bộ phận sản xuất để tránh lây nhiễm, đồng thời vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất và tiện cho việc theo dõi giám sát. Cùng với đó, một số cán bộ, công nhân sẽ phải linh hoạt đảm nhiệm công việc ở các bộ phận khác.
Theo Giám đốc Khu LHXLCT Nam Sơn Nguyễn Thanh Tùng, “Để việc chuyển đổi lao động không bị lúng túng cho cán bộ, nhân viên, người lao động, trước đó, Ban Quản lý đã chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, công nhân. Theo đó, chuyên viên văn phòng phải đi lên từ cơ sở, biết việc cơ sở, công nhân phải giỏi một việc biết nhiều việc. Bên cạnh công tác đào tạo của Công ty, chúng tôi khích lệ cán bộ, nhân viên, người lao động tích cực trau dồi học tập kiến thức trong sách vở và học hỏi lẫn nhau trong công việc thường ngày để đáp ứng kịp thời công việc trong điều kiện chuyển trạng thái là yêu cầu bắt buộc đặt ra với toàn thể cán bộ nhân viên người lao động của Công ty”.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trò chuyện với cán bộ và công nhân URENCO 8 trên đỉnh bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Hoàng Nam |
“Trường hợp có nghi nhiễm trong Công ty, yêu cầu cách ly sẽ gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, nhân viên, nhất là với những gia đình con nhỏ, ốm đau, bố mẹ già yếu. Công ty sẽ phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh và tất cả các phòng ban, đặc biệt là Ban chấp hành Công đoàn và các tổ chức, đoàn thể Phụ nữ, Thanh niên trong hỗ trợ người bị cách ly. Mặt khác, tuyên truyền cho tất cả mọi người trong Công ty công tác chuẩn bị để không bị động trong trường hợp có thay đổi” - Phó Giám đốc Cao Văn Khánh chia sẻ thêm.
Hiện Nam Sơn đang vận hành tiếp nhận và xử lý khoảng 5.000 tấn/ngày - đêm trong điều kiện chôn lấp 100% vì một số công ty, nhà máy xử lý đốt rác công nghệ cao chưa đi vào hoạt động song song và cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật của cơ sở phía Bắc thành phố chưa thi công hoàn chỉnh để giảm tải cho Nam Sơn.
Trong khi đó, việc phát sinh các ổ dịch trên địa bàn thành phố là điều có thể xảy ra âm thầm trong cộng đồng dẫn đến việc để lọt rác từ người nhiễm vào Khu liên hợp; một số đơn vị đang vận hành và thi công trong Khu liên hợp có yếu tố nước ngoài.
Vì vậy, để đảm bảo duy trì sản xuất, Công ty đề nghị UBND thành phố, Công ty MTĐT Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Giai đoạn 2 phía Bắc đúng tiến độ, bàn giai hoàn thành ô 1.1 để thực hiện bơm chuyển nước rác từ hồ sinh học về lưu chứa; Đẩy nhanh tiến độ Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý để giảm tải cho hoạt động chôn lấp tại Nam Sơn. Đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn rác phát sinh tại địa bàn có dịch và lân cận để đảm bảo an toàn cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, đảm bảo hoạt động sản xuất thông suốt nhằm duy trì xanh sạch đẹp cho môi trường thành phố, nhất là an toàn trong điều kiện dịch bệnh.
|