Tăng sức chống chịu thiên tai cho nông dân Tây Nguyên và Nam Trung Bộ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:55, 28/05/2021
Đây là nội dung văn kiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ của Việt Nam”, vừa được Bộ NN&PTNT và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ký kết vào chiều ngày 28/5.
Quang cảnh lễ ký kết |
Cụ thể, sáng kiến mới này sẽ giúp hơn 222.400 phụ nữ và nam giới ở 5 tỉnh trên trực tiếp hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi hiện đại hóa, cải thiện an ninh nguồn nước và các lựa chọn sinh kế, nâng cao kiến thức về rủi ro khí hậu và khả năng chống chịu kỹ thuật nông nghiệp và khả năng tiếp cận với các thông tin tư vấn về khí hậu và thị trường.
Hơn 335.000 phụ nữ và nam giới sẽ hưởng lợi gián tiếp từ việc nâng cao năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) phê duyệt viện trợ không hoàn lại với giá trị 30,2 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ thúc đẩy nguồn tài trợ đồng thời 126 triệu đô la Mỹ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và của Chính phủ Việt Nam về hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi. Các hoạt động này thể hiện nỗ lực của UNDP về thúc đẩy kết nối tài chính và tăng hiệu quả đầu tư trong tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hiệu quả của dự án mang lại hướng đến những người nông dân nghèo và cận nghèo tại vùng Tây nguyên và Nam Trung Bộ, giúp họ thích ứng với hạn hán khốc liệt và gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Dự án này cùng bổ trợ thúc đẩy một dự án khác của GCF mà UNDP đang hỗ trợ triển khai về xây dựng năng lực chống chịu bão lũ của các cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương tại 28 tỉnh ven biển - bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và đã chịu tác động bởi nhiều sự kiện biến đổi khí hậu với mức độ khốc liệt hơn. Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ dự kiến sẽ hứng chịu những đợt hạn dài, khốc liệt và thường xuyên hơn vào mùa khô và mưa lũ nghiêm trọng hơn vào mùa mưa. Do vậy, nông dân đối mặt với việc năng suất cây trồng bị sụt giảm, từ đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực và thu nhập.
Theo ông Lê Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, các hoạt động của dự án có thể đáp ứng nhu cầu của người nông dân, không chỉ ở tỉnh Ninh Thuận mà còn ở cả 5 tỉnh dự án. Ngoài tiếp cận được nguồn nước ổn định, họ còn được trang bị những kỹ thuật tiên tiến để sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, điều rất cần để tiếp tục phát triển kinh tế.
Điều này giúp giải quyết các vấn đề quan trọng của an ninh nguồn nước cho các nông hộ quy mô nhỏ và sẽ hỗ trợ nông dân đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiểu số và nông dân nghèo, chống chịu tốt hơn với các rủi ro biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp.