Ghi nhận 173 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Giang 123 ca
Xã hội - Ngày đăng : 19:06, 28/05/2021
Ảnh minh họa |
Diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam
Tính từ 12h đến 18h ngày 28/5 có 174 ca mắc mới (BN6397-6570), bao gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Vĩnh Long và 173 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (123), Hồ Chí Minh (25), Bắc Ninh (20), Hà Nội (3), Lạng Sơn (2).
Trong ngày 28/5, Việt Nam ghi nhận thêm 254 ca mắc mới, bao gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Vĩnh Long và 253 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (176), Bắc Ninh (33), Hồ Chí Minh (25), Lạng Sơn (10), Hà Nội (4), Thái Bình (1), Long An (1), Hải Dương (1), Hưng Yên (1), Hà Nam (1).
Tính đến 18h ngày 28/5: Việt Nam có tổng cộng 5.077 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 3.507 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới
CA BỆNH BN6408 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Vĩnh Long: nam, 41 tuổi, địa chỉ tại huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ngày 6/5, từ Malaysia nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH3324 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Vĩnh Long. Kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 27/5 dương tính với SAR-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Vĩnh Long.
CA BỆNH BN6397-BN6399 ghi nhận tại TP. Hà Nội: là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 27/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN6400-BN6403, BN6406-BN6407, BN6409-BN6422 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 14 ca liên quan ổ dịch Thuận Thành, 4 ca liên quan ổ dịch Khắc Niệm, 2 ca liên quan ổ dịch khu công nghiệp Bắc Giang, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 26-28/5 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN6404-BN6405 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: 1 ca là F1 BN3238, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 28/5 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
CA BỆNH BN6423-BN6447 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 21 ca liên quan đến Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng, 4 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 27-28/5 dương tính với SARS-CoV-2.
CA BỆNH BN6448-BN6570 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân COVID-19 thứ 47 tử vong ở Việt Nam
Chiều 28/5, Bộ Y tế thông tin ca tử vong thứ 47 liên quan đến COVID-19 là nữ bệnh nhân 22 tuổi, địa chỉ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bệnh nhân được phát hiện suy tủy xương từ tháng 3/2021, đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ngày 21/4, bệnh nhân được cấy máu nhiễm vi khuẩn E.Coli, nấm C. Tropicalis điều trị bằng kháng sinh phối hợp nhưng không đỡ, bệnh nhân còn sốt liên tục. Ngày 29/4, bệnh nhân được chuyển bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Chẩn đoán khi vào viện: Nhiễm nấm huyết trên bệnh nhân suy tuỷ xương (giảm 3 dòng).
Đến ngày 5/5, bệnh nhân được xét nghiệm SARS- CoV- 2 và cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh, kháng nấm phối hợp theo kháng sinh đồ, thở máy, truyền các chế phẩm máu, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị, kiệt 3 dòng tế bào máu, tình trạng bệnh tiến triển xấu dần.
Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng và tử vong lúc 21 giờ 48 phút ngày 27/5. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm huyết trên bệnh nhân suy tủy xương, nhiễm SARS-CoV-2.
Chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh: Lây nhiễm cao do không đảm bảo 5K
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), do không gian nhỏ hẹp, kín, người tham gia không đeo khẩu trang khi sinh hoạt tại Hội thánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút lây lan nhanh, làm tăng số ca nhiễm.
Nhà thờ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ sinh hoạt tại 415/8/4 Nguyễn Văn Công, Phường 3, quận Gò Vấp. Qua điều tra, Hội thánh sinh hoạt vào ngày chủ nhật. Trong tháng 5 Hội sinh hoạt vào các ngày 2,9,16,23. Ca bệnh có triệu chứng đầu tiên được ghi nhận là ngày 13/5. Đây có thể là ca khởi đầu của chuỗi lây nhiễm này. Với nhận định ca bệnh đầu tiên khởi phát từ ngày 13/5 thì ngày sinh hoạt vào ngày 16 và 23 có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Điển hình là 3 người trong gia đình đến khám bệnh tại BV Tân Phú đều sinh hoạt chung với nhóm vào ngày 16/5. Đây là chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến và các ca nhiễm có chỉ số xét nghiệm cho thấy mới nhiễm.
Mặc dù Hội thánh sinh hoạt số lượng người trong 1 buổi dưới 20 người nhưng khả năng lây nhiễm được đánh giá là nguy cơ cao vì cùng sinh hoạt trong không gian nhỏ với diện tích khoảng 50 mét vuông, không gian kín và theo các thông tin điều tra thì trong lúc họp hội, hội viên không đeo khẩu trang. Môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch. Với những nguy cơ trên đã tạo điều kiện cho vi rút lây lan nhanh. Minh chứng là gần như toàn bộ người tham gia họp hội đều nhiễm bệnh với tốc độ lây lan nhanh, 60% người có triệu chứng. So sánh với các chuỗi lây nhiễm đang lây lan hiện nay, nhiều khả năng chủng lây nhiễm này có thể là chủng Ấn Độ.
"Qua chuỗi lây nhiễm này, chúng ta có thể thấy sinh hoạt nhóm trong phòng nhỏ sẽ rất khó đảm bảo khoảng cách. Các phòng kín không thông thoáng khí sẽ càng tạo điều kiện cho vi rút lây nhiễm đặc biệt là biến chủng mới đã được thông báo lây lan qua không khí. Người tham gia không đeo khẩu trang. Tất cả các yếu tố trên đã tạo điều kiện cho vi rút lây lan nhanh", đại diện HCDC cho hay.
Để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, Thành phố đã tạm ngưng các hoạt động tụ tập đông người nhất là ở trong phòng kín. Các cuộc họp nếu cần tổ chức đảm bảo không quá 20 người trong 1 phòng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và mang khẩu trang. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động có tập trung từ 10 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Đây là mệnh lệnh của chính quyền và mỗi người dân hiểu và thực hiện cho đúng, không vi phạm để tạo ra những sự kiện lây nhiễm. Thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn chính là biện pháp phòng chống dịch cơ bản nhất. Nếu chúng ta thực hiện đúng thì sẽ không tạo điều kiện cho vi rút lây lan.
Thành phố tiếp tục triển khai thần tốc các hoạt động truy vết, khoanh vùng, mở rộng xét nghiệm để chặt đứt chuỗi lây nhiễm, không cho lây lan tiếp. Tiếp tục điều tra nguồn lây của chuỗi lây nhiễm này.