Cần tiếp tục trợ giá điện để người dân và doanh nghiệp vượt qua “bão dịch”

Xã hội - Ngày đăng : 16:28, 28/05/2021

(TN&MT) - Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong bối cảnh dịch COVID-19 tăng cao.

Sản lượng tiêu thụ điện tăng cao

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào thời điểm cả nước bước vào mùa nắng nóng năm 2021, cùng với đó, việc người dân hạn chế ra đường để phòng, chống dịch bệnh đã làm cho nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao.

Mức độ tiêu thụ điện toàn quốc có khả năng vượt đỉnh cũ để thiết lập mốc kỷ lục mới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, trong tháng 5/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 774,3 triệu kWh/ngày. Công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 39.859 MW. Với tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài ở cả 3 miền. Mức độ tiêu thụ điện toàn quốc có khả năng vượt đỉnh cũ để thiết lập mốc kỷ lục mới.

Theo báo cáo được EVN vừa công bố, trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất toàn hệ đạt 80,67 tỷ kWh, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy điện đạt 18,39 tỷ kWh, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chiếm 22,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Nhiệt điện than đạt 41,48 tỷ kWh. Giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 51,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tua bin khí đạt 10,55 tỷ kWh, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2020. Chiếm 13,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Đáng chú ý, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 9,5 tỷ kWh, tăng tới 156,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (riêng điện mặt trời đạt 8,73 tỷ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ).

Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/5, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết từ cuối tháng 4 đến nay, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố vẫn duy trì ở mức rất cao. Đặc biệt, trong các ngày 11, 12 và 14/5, lượng điện tiêu thụ lần lượt là 90,32 triệu kWh, 90,27 triệu kWh và 90,69 triệu kWh, cao nhất từ trước đến nay và vượt mức kỷ lục 90,038 triệu kWh được lập vào ngày 24/4/2019. Lượng điện tiêu thụ tính theo tuần từ ngày 10 đến 16/5 đạt 602,34 triệu kWh, là con số cao nhất từ trước đến nay và bằng 153% so với bình quân tuần trong tháng 2/2021. Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho hay, việc tiêu thụ điện tăng cao khiến tiền điện các kỳ tháng 4, tháng 5 tăng cao so với kỳ tháng 3.

Còn tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà cho biết, nắng nóng gay gắt xảy ra diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và Hà Nội đã khiến mức độ tiêu thụ điện gia tăng đáng kể. Theo đó, sản lượng điện tiêu thụ trên toàn thành phố ngày 19/5 là 76,230 triệu kWh, ngày 20/5 là 81,702 triệu kWh và ngày 21/5 là 85,964 triệu kWh. Bình quân lượng điện tiêu thụ một ngày trong tháng 5 (tính đến ngày 21/5) là 66,071 triệu kWh, tăng 17,7% so với bình quân tháng 4/2021.

Mức độ tiêu thụ điện gia tăng liên tục chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát, nhất là điều hòa nhiệt độ. EVNHANOI khuyến nghị khách hàng sử dụng điều hòa nhiệt độ nên để mức 26 - 28 độ C. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió, sẽ giúp tiết kiệm 2-3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn. Việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. 

Bên cạnh đó là yếu tố nhảy bậc theo biểu giá điện hiện hành cũng khiến hóa đơn tiền điện cao, nhất là các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kWh/tháng tăng lên trên 200 kWh/tháng, ứng với các bậc 4 - 6 có mức tăng trên 150% so với bậc 1.

Cần tiếp tục giảm giá điện

Các chuyên gia cho rằng, trong lần giảm giá tiền điện đầu tiên vào tháng 4, 5, 6/2020, tất cả các doanh nghiệp và người dân đều rất hoan nghênh. Nhìn trên diện rộng với nhiều doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu thì việc cắt giảm chi phí tiền điện đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khá lớn, lên đến hàng tỉ đồng. Chính vì vậy, nếu lần này thực hiện được việc giảm giá điện cho người dân, khách hàng sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Nhìn trên diện rộng với nhiều doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu thì việc cắt giảm chi phí tiền điện đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khá lớn, lên đến hàng tỉ đồng

Bởi, giai đoạn hiện nay là thời điểm rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Hiện tại, các doanh nghiệp đều đang chạy đua để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% như Quốc hội đã đặt ra.

Trước đó, năm 2020, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt. Báo cáo của EVN cho biết, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của 2 đợt trong năm 2020 khoảng 12.300 tỷ đồng.

Trong đó, đợt 1 thực hiện từ ngày 16/4 - 16/7/2020, việc giảm giá điện, giảm tiền điện được áp dụng cho khoảng hơn 27 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỷ đồng.

Đợt 2 thực hiện từ tháng 10 - 12/2020, hỗ trợ giảm cho khoảng 25,4 triệu khách hàng sử dụng điện. Số tiền hỗ trợ đợt 2 khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Hiện nay, giá bán điện được Bộ Công Thương điều hành theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán điện được tính toán từ các thông số đầu vào của tất cả các khâu như phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá điện được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan các thông số đầu vào của tất cả các khâu nêu trên và phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá bán điện các năm trước, để xác định giá bán điện hiện hành.

Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics.

 

Xuân Hợp