Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 14:12, 28/05/2021

(TN&MT) - Mặc dù nền kinh tế trong nước đang bị tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt tại Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 5 tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Nhiều chỉ số tích cực

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tính lũy kế đến ngày 20/5/2021, cả nước có 33.615 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 396,86 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 240 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa

Xét theo lĩnh vực đầu tư, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,43 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,05 tỷ USD và gần 522 triệu USD…

Đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,26 tỷ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,59 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,83 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…

Theo địa bàn đầu tư, thống kê cho thấy, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,35 tỷ USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,34 tỷ USD, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang…

Một số dự án lớn trong 5 tháng đầu năm 2021 có thể kể đến như Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.

“Đất lành” trong thu hút đầu tư

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm 2021, cùng với vốn đăng ký điều chỉnh đã tăng trở lại (tăng 11,7%) sau khi giảm trong 4 tháng, góp phần làm tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể tăng từ 2,2 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2020 tăng lên 14,4 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2021 và từ 7,9 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 11,3 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao. Khi diễn ra đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong xu thế đó, Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, có thể thấy sự thành công của Việt Nam trong cuộc đua vào top đầu thế giới về thu hút vốn FDI thời gian qua còn nhờ vào sự ổn định về chính trị-xã hội. Đây là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Sự ổn định chính trị-xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Nhờ đó, các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất.

Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp là một trong các lí do thu hút FDI tăng. Ảnh minh họa

Mặt khác, cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế, đưa Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.

Không những vậy, trong những năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần tăng năng suất lao động. Đây là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn ĐTNN. Hơn thế, những dự án FDI cũng tận dụng được các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Để đón đầu làn sóng này, Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế-xã hội.

Dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch. Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đối với Việt Nam, nguồn FDI cho đến nay chưa có nguồn nào thay thế tốt hơn nên phải khẳng định đây là nguồn lực đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và phát triển, mặc dù nguồn đầu tư tư nhân và Nhà nước đang gia tăng quy mô đóng góp. “Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng thẩm định dự án về môi trường. Các dự án của Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đáp ứng. Việc FDI tăng là tín hiệu tốt về kinh tế Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt trên 98 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ, chiếm 74,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 97,4 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2021, khu vực ĐTNN xuất siêu 14,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 12,6 tỷ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực ĐTNN đã bù đắp phần nhập siêu 12,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 131 triệu USD.

 

Thanh Tùng