Quảng Nam: Cấp thiết tái định cư cho dân vùng dự án Nam Hội An
Tiếng dân - Ngày đăng : 12:13, 28/05/2021
Mòn mỏi chờ tái định cư
Nhà cửa xuống cấp nhưng bế tắc cải tạo, cuộc sống lay lắt, tạm bợ… đó là tình cảnh của nhiều hộ dân sống trong vùng quy hoạch dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Trong ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp, ông Phạm Lưỡng (61 tuổi), thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên chỉ vào những vết nứt chi chít kéo dài 2-3m trên trụ và tường nhà, thở dài: “Sợ nhất là mùa mưa bão. Nước mưa dột qua mái tôn khiến nền nhà ngập lênh láng. Nhà cửa không đảm bảo nên mỗi khi bão đổ bộ vào đất liền là cả gia đình phải khăn gói sơ tán. Cứ đà này nhà sập lúc nào không biết”.
Ngôi nhà của ông Cưỡng xuống cấp từng ngày nhưng không thể sửa chữa |
Theo ông Lưỡng, năm 2015, tiếp nhận chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, hàng nghìn hộ dân vùng các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) khấp khởi mừng vui. Người dân kỳ vọng sau khi thu hồi đất, họ sẽ nhận đền bù và chuyển tới TĐC với điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, sau 6 năm, nhiều hộ dân vẫn "giậm chân tại chỗ" ở khu đất thuộc diện quy hoạch, hằng ngày sống trong nỗi thấp thỏm, âu lo vì nhà cửa xuống cấp trầm trọng nhưng không thể sửa sang, xây mới.
Bị “treo” trong vùng quy hoạch 6 năm, gia đình ông Phạm Cưỡng, thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải đã nhiều lần gửi kiến nghị, tha thiết mong chính quyền xã quan tâm, giúp đỡ để được di dời, để ông Cưỡng được sống an vui những năm tháng tuổi già nhưng vẫn không được giải quyết.
Vết nứt kéo dài trên trụ, tường nhà trong ngôi nhà được xây dựng cách đây 40 năm của ông Lưỡng |
“Ban đầu khi tiếp nhận chủ trương thu hồi đất, vợ chồng ông và 6 người con cứ đinh ninh sẽ sớm được giải tỏa, đền bù rồi di dời đến khu TĐC. Nào ngờ, nhiều năm trôi qua, các thành viên đành chấp nhận sống trong ngôi nhà rệu rã chờ sập, với nỗi thấp thỏm, âu lo thường trực” – ông Cưỡng buồn rầu cho hay.
Chờ đợi quá lâu để được TĐC, không ít người dân bày tỏ sự hoài nghi và bức xúc trước việc giải quyết TĐC thiếu minh bạch. Họ cho rằng, thời gian qua, chính quyền xã có sự "ưu ái" khi tiếp nhận, xử lý đơn xin được bàn giao mặt bằng, bố trí TĐC.
Chưa đủ đất để giải quyết tái định cư cho dân
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, theo quy hoạch, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị giải tỏa trắng khoảng 1.000ha để nhường đất cho dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và các khu tái định cư. Công ty Kỳ Hà Chu Lai là đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và cũng là đơn vị thay mặt cho Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng 5 khu TĐC và khu nghĩa trang vùng Đông 2 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình để tạo quỹ đất TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Tuy nhiên đến nay chưa đủ đất để hoàn thành TĐC cho dân.
Theo quy hoạch, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên bị giải tỏa trắng khoảng 1.000ha để nhường đất cho dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An |
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đã chủ trì cuộc họp giải quyết các tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và TĐC dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Theo kết luận của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông báo, UBND tỉnh thống nhất cho Công ty Kỳ Hà Chu Lai tiếp tục ký phụ lục gia hạn hợp đồng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An cho đến khi hoàn thành việc chi trả và có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Công ty Kỳ Hà Chu Lai sẽ tiếp tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của dự án theo các phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 21/5/2021.
Đồng thời UBND tỉnh giao Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An xây dựng 3 khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
Nhiều hộ dân ở xã Duy Hải nằm trong vùng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đang mong chờ được bố trí tái định cư. |
Trả lời nghi vấn và bức xúc của người dân có tình trạng “ưu ái” trong công tác tiếp nhận, giải quyết TĐC, ông Đức cho biết, đến thời điểm hiện tại, huyện chưa nhận được đơn thư phản ảnh nào, thế nhưng nếu người dân muốn được làm sáng tỏ thì gửi đơn lên huyện, nêu ra những bất cập trong đền bù, giải tỏa để đơn vị chức năng xử lý.
“Muốn kiến nghị thì người dân phải cung cấp thời gian nhận quyết định thu hồi đất, cùng với nhóm đối tượng nào, trong khi đất ở đó còn nhiều lô nhưng không bố trí cho họ rồi gửi về Ban tiếp công dân thì chúng tôi mới xử lý được. Còn khoảng thời gian quyết định thu hồi cách nhau 4 tháng thì còn đất đâu mà bố trí.”- ông Đức cho biết.