Tủa Chùa - Điện Biên: Phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Môi trường - Ngày đăng : 09:12, 28/05/2021

(TN&MT) - Nhờ phát huy được hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã đạt được môt số kết quả tích cực. Ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng được nâng cao.

Người dẫn xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa tham gia bảo vệ rừng.

Tủa Chùa là một trong những huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, với diện tích đất tự nhiên là: 68.414,9 ha, trong đó diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp 40.624,71 ha, diện tích đất có rừng 25.927,5 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,9%. Huyện Tủa Chùa có 120 cộng đồng và 240 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng là trên 21.000ha. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ rừng tăng cường tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn để được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.

Trong năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã phối hợp với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức nghiệm thu rừng để làm cơ sở thanh toán năm 2019. Qua nghiệm thu, diện tích đủ điều kiện chi trả là 21.222,350ha, chưa đủ điều kiện 1.412,897ha. Hạt Kiểm lâm cũng đã Phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng số ViettelPay Điện Biên mở tài khoản thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng được 318 tài khoản. Trong đó, chủ rừng là UBND xã, thị trấn là 12 tài khoản; chủ rừng là cộng đồng 116 tài khoản và 190 tài khoản có chủ rừng là các nhân, hộ gia đình.

Xã Xá Nhè có trên 1.600ha rừng, toàn xã hiện có 14 cộng đồng và 14 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Được hưởng lợi từ rừng, nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn xã đã ý thức hơn trong việc giữ rừng. Các cộng đồng thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn trong công tác bảo vệ rừng; hạn chế được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Cán bộ kiểm lâm huyện Tủa Chàu phối hợp với người dân tuần tra, bảo vệ rừng.

Ông Trần Quốc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cho biết: Nhờ thưc hiện tốt chính sách chi trả DVMTR đã tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Người dân được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước đã nêu cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Nhất là ý thức khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tái sinh tại các khu vực nương cũ không canh tác từ 5 - 7 năm để hưởng dịch vụ môi trường rừng.

Để tăng cường công tác QLBVR, PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, lồng ghép, hướng dẫn các văn bản Luật phòng cháy chữa cháy, Luật Lâm nghiệp, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan về công tác QLBVR, PCCCR.

Qua đó, đã tổ chức được 151 buổi tuyên truyền với 8.170 lượt người tham gia. Xây dựng kế hoạch tuần tra rừng, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, chủ rừng tổ chức tuần tra rừng được 122 buổi với 1.196 lượt người cùng tham gia. Tổ chức công bố 3 loại rừng theo Quyết định 1208/QĐ-UBND tỉnh Điện Biên tại 12 xã, thị trấn: gồm 116 thôn, bản, tổ dân phố có rừng với 4.204 lượt người.

Ông Khánh cho biết thêm: Thời gian tới Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền học tập, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, phối hợp với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện tốt việc nghiệm thu rừng đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện để thực hiện chi trả DVMTR theo đúng quy định.

Hoàng Châu - Hà Thuận