Bộ TN&MT họp triển khai xây dựng Hệ thống tích hợp, kết nối và chia sẻ CSDL đất đai quốc gia
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:13, 27/05/2021
Thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và căn cứ theo nhiệm vụ được giao, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Cục CNTT&DLTNMT) chủ động, tích cực triển khai thực hiện các công việc theo phân công. Trong đó phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức làm việc với Văn phòng Chính phủ; Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông về một số nội dung, giải pháp công nghệ triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Theo đó, Cục CNTT&DLTNMT phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai thống nhất các nội dung: Dự thảo cấu trúc CSDL đất đai quốc gia; phạm vi nội dung dữ liệu thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ đến tháng 07/2021; lựa chọn 8 tỉnh/thành phố (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre) ở cả 3 miền và có đặc trưng về Phần mềm/CSDL đất đai để thực hiện thử nghiệm kết nối.
Cán bộ Phòng Đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra hiện trạng ô đất trong hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai. Ảnh: MH |
Cục CNTT&DLTNMT đã làm việc với Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến về mô hình triển khai và giải pháp thực hiện hệ thống; thống nhất phương án tích hợp các dịch vụ dữ liệu đất đai quốc gia với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia (NGSP); Làm việc với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ: tìm hiểu nhu cầu về thông tin dữ liệu đất đai sẽ được sử dụng trong hệ thống điều hành thông minh của Chính phủ, Hệ thống dịch vụ công quốc gia; trình bày hiện trạng về cơ sở dữ liệu đất đai hiện nay; thống nhất phương án phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Ngoài ra, Cục CNTT&DLTNMT cũng làm việc với đơn vị tư vấn xây dựng trung tâm điều hành thông minh của Bộ Tài nguyên và Môi trường: tìm hiểu nhu cầu về thông tin dữ liệu đất đai sử dụng cho hệ thống điều hành thông minh của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thống nhất phương án phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Phối hợp với các địa phương chuẩn bị thử nghiệm: Chủ động liên hệ, trao đổi với các địa phương (Bắc Ninh, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, ...) để địa phương nắm được thông tin, sẵn sàng thử nghiệm kết nối.
Theo báo cáo của Cục CNTT&DLTNMT, đối với nhiệm vụ xây dựng cấu trúc CSDL đất đai quốc gia, chuẩn bị dữ liệu và chuyển đổi dữ liệu vào CSDL đất đai quốc gia: Cục phối hợp với Tổng cục QLĐĐ xây dựng dự thảo nội dung cấu trúc CSDL đất đai quốc gia. Sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm tích hợp, kết nối dữ liệu đất đai quốc gia, cung cấp chia sẻ dữ liệu với: Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP); Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVC); Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (IOC Chính phủ); Trung tâm điều hành thông minh của Bộ (IOC Bộ TNMT)…
Cục CNTT&DLTNMT cũng đã tiếp nhận dữ liệu từ Tổng cục QLĐĐ, gồm: Dữ liệu Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 – 2020 của quốc gia và 6 vùng kinh tế; Dữ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 của quốc gia và 6 vùng kinh tế (chưa có dữ liệu các biểu thống kê, kiểm kê); Dữ liệu khung giá quốc gia, bảng giá đất theo tỉnh; Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai của quốc gia và vùng kinh tế trên cả nước.
Đã tiến hành chuẩn hoá, chuyển đổi toàn bộ dữ liệu nhận được từ phía Tổng cục QLĐĐ vào CSDL ĐĐQG; xây dựng các dịch vụ dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp vào Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẵn sàng cho việc chia sẻ cho các hệ thống muốn khai thác (NGSP, Cổng DVC, IOC Chính phủ, IOC Bộ TNMT,…).
Đối với nhiệm vụ xây dựng Hệ thống tích hợp, kết nối và chia sẻ CSDL ĐĐQG, Cục phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống phần mềm; chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai, vận hành hệ thống; xây dựng các dịch vụ phục vụ tích hợp, kết nối chia sẻ với CSDL ĐĐQG.
Cục đã trình Bộ văn bản gửi các địa phương đề nghị phối hợp triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông dữ liệu đất đai tại các địa phương; Chủ động phối hợp, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật, các phương án phối hợp triển khai để đảm bảo tính hiệu quả, trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đã chủ động làm việc với các đơn vị liên quan (Các cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn xây dựng các hệ thống: NGSP, Cổng DVC, IOC Chính phủ, IOC Bộ TNMT), cung cấp thông tin danh mục, cấu trúc và địa chỉ các dịch vụ dữ liệu đất đai quốc gia…
Tại cuộc họp, các đơn vị tham gia cùng nhau thảo luận những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai công việc; với những đề xuất, kiến nghị của Cục CNTT&DLTNMT về việc ưu tiên kinh phí để thực hiện nhiệm vụ; Do tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay diễn biến vô cùng phức tạp, trong trường hợp cần thiết, kiến nghị Bộ cho phép giảm hoặc thay đổi các địa phương thử nghiệm nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu đặt ra… lãnh đạo các đơn vị cùng hai Thứ trưởng đã đưa ra những giải pháp để cùng thực hiện được những công việc được giao.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là công việc quan trọng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao trọng trách, Bộ trưởng nhắc lại phương châm làm việc “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” do đó đề nghị các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ.
Bộ trưởng thống nhất việc ưu tiên kinh phí để thực hiện nhiệm vụ và đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai làm việc với Tổng cục Thuế thống nhất các phương án từ đó tham mưu cho Bộ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng đề nghị Vụ KHCN phối hợp với Cục CNTT&DLTNMT, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Quản lý đất đai để ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đồng bộ, thống nhất.
Xác định nhiệm vụ về công nghệ thông tin là quan trọng nhất, Bộ trưởng đề nghị Cục CNTT&DLTNMT đưa ra được giải pháp, nền tảng đồng bộ để quản lý và khai thác dữ liệu chung dựa trên trí tuệ nhân tạo và các hệ thống thông minh; phải số hoá được những cơ sở dữ liệu quan trọng; phân rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của trung ương, địa phương để đảm bảo công việc triển khai không chồng chéo, thống nhất, đúng pháp luật.
Bộ trưởng cũng đề nghị phải xây dựng được trung tâm dữ liệu thống nhất, tập trung, đảm bảo an ninh, an toàn và đảm bảo năng lực quản lý… để từ đó đảm bảo cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xây dựng đồng bộ, đầy đủ và xuyên suốt trên phạm vi cả nước theo một lộ trình thống nhất tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh.