Bất cập quỹ duy tu 2% nhà tái định cư Nơ 14C Định Công

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:48, 27/05/2021

(TN&MT) - Cư dân khu vực tái định cư Nơ 14C Định Công, quận Hoàng Mai cho rằng quỹ duy tu của chung cư đã không được sử dụng đúng mục đích khiến cho hàng trăm hộ dân sống tại đây phải tự bỏ “tiền túi” để bảo trì, sửa chữa hệ thống thiết bị khi toà nhà bị xuống cấp.

Khổ vì chung cư xuống cấp 

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của người dân Nơ 14C Định Công về tình trạng chung cư xuống cấp trầm trọng trong nhiều năm nhưng không được các đơn vị quản lý, Chủ đầu tư (CĐT) hay các cấp chính quyền quan tâm, xử lý. Cụ thể về vấn đề bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị trong toà nhà bao gồm: Thang máy, hệ thống máy phát điện, hộp kỹ thuật, đường ống nước, máy bơm, mặt tường ngoài của chung cư... 

Hơn nữa, ông T. - cư dân toà nhà bức xúccho biết, thang máy luôn trong tình trạng hỏng liên tục, nhưng Chủ đầu tư “làm ngơ” nên người dân phải tự thành lập một quỹ riêng để bảo trì, sửa chữa hệ thống và quỹ này đều là tiền của người dân sống tại toà nhà đóng góp. Đã nhiều năm nay hệ thống thang máy trong chung cư xuống cấp trầm trọng và gặp trục trặc liên tục. Một thang máy bị đứt cáp nhưng chưa được sửa chữa nên người dân đi lại vô cùng vất vả, thậm chí phải chờ xếp hàng vì thang máy quá tải, khổ nhất các hộ dân ở trên tầng cao, mỗi khi nắng nóng phải leo thang bộ.

Ngoài ra, máy phát điện không hoạt động, hệ thống đường dẫn nước bị rò rỉ thấm ngấm vào tường nhà, hệ thống cống thoát nước chậm tiêu, nhà vệ sinh chung tầng 1 chỉ được vệ sinh 1 tuần 1 lần, hay phí gửi xe bỗng tăng đột biến từ 45-60.000đ lên thành 120.000đ/xe 1 tháng, lực lượng bảo vệ của toà nhà không đảm bảo cả về chất lượng cũng như số lượng... 

Hệ thống máy phát điện không hoạt động tại toà nhà 

Tường ngoài bong tróc, bám bẩn chưa được sơn sửa lại 

Hệ thống đường dẫn nước cũng bị rò rỉ, thấm ngấm 

Được biết, cách đây 3 năm, Quỹ 2% của toà nhà được thông báo và gửi về cho Tổ trưởng Tổ dân phố (tức đại diện cư dân chung cư), nhưng gần đây, quỹ đã không còn được báo về như trước. Đã nhiều lần, tập thể cư dân có ý kiến kiến nghị, liên hệ với CĐT và đơn vị quản lý giải quyết về vấn đề bảo trì và quỹ 2% nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Quyền lợi của cư dân cần phải được đảm bảo

Qua hàng loạt bất cập trên tại chung cư Nơ 14C Định Công, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với đại diện Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu đô thị (trực thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội), ông này cho biết: Thực hiện theo Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND và Thông tư 02/VBHN-BXD sửa đổi có hiệu lực, toàn bộ tiền sửa chữa, bảo trì công trình nằm trong 2% quỹ duy tu, là tiền của các hộ dân đóng góp khi mua nhà. Quỹ được sử dụng vào mục đích bảo trì, trùng tu, sửa chữa của toà nhà, bao gồm các phần diện tích hay thiết bị được sử dụng chung. Hiện nay, quỹ bảo trì này đang nằm trong tài khoản kho bạc của Thành phố và do Xí nghiệp quản lý. Nếu có số tiền liên quan đến quỹ 2% thì sẽ chuyển hết vào tài khoản đó như biến động số dư hay lãi suất từ quỹ nếu có người mua nhà... 

Liên quan đến việc tại sao Xí nghiệp chưa chuyển quỹ này đến khu chung cư Nơ 14C, đại diện đơn vị cho rằng: Đến khi Ban Quản trị (BQT) của toà nhà được thành lập và có pháp nhân, tài khoản tại ngân hàng thương mại, lúc đó đơn vị sẽ chuyển trả quỹ 2% này về BQT. Và hiện tại, quỹ sẽ không được rút ra để sử dụng nếu không đúng quy định, không có uỷ quyền hay sự đồng ý của cư dân, đại diện chung cư. 

Nhà Nơ 14C Định Công chưa được bàn giao quỹ bảo trì 2% 

Qua đó, định kỳ hằng năm 6 tháng 1 lần, số tiền quỹ trong tài khoản của toà nhà đơn vị cũng gửi thông báo thống kê cho BQT tòa nhà theo quy định về tài chính của Xí nghiệp. Hiện nay Nơ 14C vẫn chưa có BQT nên tạm thời thông báo này sẽ được gửi đến Ban đại diện toà nhà hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố.

Vị này cho biết thêm, thời điểm quỹ bảo trì chưa phát huy hết tác dụng là bởi trước đây khi có Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND của Thành phố yêu cầu dừng quỹ duy tu 2%, thời điểm đó người dân chưa dùng quỹ và cũng không đóng góp thêm, cùng với đó được Nhà nước hỗ trợ bảo trì 6 hạng mục trong đó kể đến như thang máy, máy phát điện, máy bơm, hệ thống phòng chống chữa cháy... Cho đến khi phát sinh những vấn đề về thiết bị hỏng hóc, người dân phải tự bỏ tiền ra và quỹ 2% đã không được sử dụng vào đúng mục đích. 

Đối với những vấn đề về bảo dưỡng, bảo trì thiết bị trong toà nhà, đơn vị khẳng định vẫn làm hết trách nhiệm của mình. Vì hàng năm đơn vị phải xây dựng kế hoạch trình Sở Xây dựng và xin phê duyệt các hạng mục thì mới có thể làm các thủ tục đầu tư và thuê đơn vị chuyên môn vào sửa chữa hay bảo dưỡng.

Tất cả hoạt động đều phải theo quy trình, đơn vị không được phép thực hiện đơn phương. Vì các phương án sửa chữa của đơn vị đều thuộc Ngân sách của Thành phố nên Xí nghiệp cũng phải trình xin phép Sở Xây dựng để có cơ sở trích ngân sách ra bảo trì, sửa chữa cũng như bảo dưỡng các toà nhà chung cư. 

Trong năm nay, đối với những thang máy, hệ thống thiết bị trong chung cư vẫn còn hoạt động sẽ được đưa vào bảo dưỡng, còn những thang máy hỏng thì đơn vị đã triển khai sửa chữa vì nhu cầu cấp thiết của các hộ dân toà nhà và theo phê duyệt của Sở Xây dựng, sau đó Xí nghiệp mới làm công tác nghiệm thu sau quá trình thử nghiệm thang máy. Hiện nay, vị đại diện khẳng định, thang máy của  toà Nơ 14C đã được sửa chữa và hoạt động được bình thường. 

Còn các vấn đề khác phát sinh như: Sơn sửa lại tường nhà, hay hệ thống đường dẫn nước rò rỉ... đơn vị cũng cho người xuống kiểm tra để lấy cơ sở trình Sở Xây dựng phê duyệt phương án bảo trì. Cũng như vấn đề giá để xe tăng đột biến, đơn vị thực hiện theo thông báo số 04 của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nhưng hiện nay do cư dân không đồng ý phương án này nên đơn vị vẫn giữ nguyên giá cũ.

Thuỵ Khanh