Đắk Nông: Xác lập tổng thể để bảo tồn hang động núi lửa Krông Nô

Tài nguyên - Ngày đăng : 10:22, 27/05/2021

(TN&MT) - Hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được phát hiện năm 2007, thực hiện khảo sát và đo vẽ chi tiết từ năm 2012 - 2017, tiến hành nghiên cứu tổng thể về di sản địa chất - đa dạng sinh học - di sản văn hóa và sinh địa hóa môi trường từ năm 2017 đến nay. Tất cả các giá trị di sản của hang động núi lửa Krông Nô đã được nghiên cứu, xác lập tổng thể nhằm bảo tồn, phục vụ cộng đồng và khai thác du lịch, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Bộ ba giá trị nổi bật

Ông La Thế Phúc - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất) - người đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến phát hiện ra hang động núi lửa, nghiên cứu chi tiết về di sản hang động núi lửa… cho biết: các hang động/hệ thống hang động ở Krông Nô có nguồn gốc nguyên sinh/nội sinh, trong khi các cửa/miệng hang lại chủ yếu có nguồn gốc thứ sinh/ngoại sinh. Trong hang chứa đựng di sản hỗn hợp phong phú và đa dạng trên cả 3 lĩnh vực địa chất, sinh học và văn hóa.

Về di sản địa chất, các thành tạo nội thất trong hang động núi lửa Krông Nô rất phong phú, đa dạng và là những bằng chứng khoa học xác thực chứng minh cho nguồn gốc nội sinh và cơ chế thành tạo hang do thoát khí - co rút thể tích của dòng dung nham. Theo phân loại của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hang động núi lửa Krông Nô, Đắk Nông có 7 kiểu, gồm: Di sản địa chất kiểu A - Cổ sinh; Di sản địa chất kiểu B - Địa mạo; Di sản địa chất kiểu C - Cổ môi trường; Di sản địa chất kiểu D - Đá; Di sản địa chất kiểu E - Địa tầng; Di sản địa chất kiểu F - Khoáng vật; Di sản địa chất kiểu I - Kiến tạo.

Về đa dạng sinh học, đây là môi trường sống của nhiều loài sinh vật, đã lập nên chuỗi thức ăn cân bằng sinh học trong hang, trong đó có những loài đặc hữu chỉ bắt gặp sống trong hang động núi lửa Krông Nô.

Di sản hang động núi lửa Krông Nô

Về di sản văn hóa, hang động Krông Nô chứa các di tích khảo cổ tiền sử, phản ánh nhiều thể loại di tích như: di tích cư trú, di tích xưởng, di tích mộ táng, di tích trại săn tạm thời, di tích liên quan đến nghi lễ tôn giáo. Đặc biệt, hang động Krông Nô có di cốt người tiền sử, rất hiếm gặp ở Tây Nguyên và hang động núi lửa trên thế giới. Môi trường sinh - địa hóa trong hang động núi lửa Krông Nô rất thích hợp cho việc bảo tồn vật chất hữu cơ, xương, răng động vật cũng như di cốt người tiền sử. Giá trị nổi bật toàn cầu của hệ thống hang động núi lửa ở đây đã được xác lập trên cả 3 lĩnh vực di sản địa chất, sinh học và văn hóa/khảo cổ tiền sử.

Nét đặc biệt mang giá trị toàn cầu

Tính đến nay, tổng số hang đã được phát hiện là 50 hang, trong đó có 12 hang có di tích khảo cổ, 21 hang đã được đo vẽ chi tiết với tổng chiều dài ~8.073 m. Đây là hệ thống hang động núi lửa có quy mô, độ dài và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á và Trung Quốc, phân bố trong diện đá basalt hệ tầng Xuân Lộc.

Đặc biệt, các kết quả phát hiện và nghiên cứu đã xác lập hệ thống hang động núi lửa Krông Nô có giá trị nổi bật toàn cầu. Tuy vậy, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ mang tính khởi đầu, khai mở và định hướng nhiều vấn đề nghiên cứu mới chuyên môn đa ngành/liên ngành liên quan như: địa chất học - sinh học - nhân chủng học - cổ môi trường và du lịch; bảo tồn di sản và khai thác phát huy các giá trị di sản cho sự phát triển bền vững trong liên kết vùng và hội nhập.

Cửa xuống tầng thấp của hang T66 trong hang động núi lửa ở Krông Nô

Hang động núi lửa Krông Nô rất có giá trị khoa học và thực tiễn. Về mặt khoa học, đây là một bảo tàng ngoài trời về các di sản địa chất hang động núi lửa, là bộ giáo cụ trực quan thiên nhiên sinh động cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong nhiều lĩnh vực tự nhiên (địa chất, đa dạng sinh học, cổ địa lý, biến đổi khí hậu...) và văn hóa (di tích tiền sử, nhân chủng học, lịch sử phát triển con người ở Tây Nguyên nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung). Về thực tiễn, hang động núi lửa ở đây là điểm nhấn đặc biệt, thu hút cộng đồng trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, học tập, tham quan thưởng ngoạn; là nguồn tài nguyên rất giá trị để khai thác du lịch, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Ông La Thế Phúc cho rằng, cần có các biện pháp bảo vệ, bảo tồn khẩn cấp di sản hang động núi lửa Krông Nô và sớm đầu tư nghiên cứu, xử lý độ an toàn hang động trước khi mở cửa đón khách tham quan. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và khai thác di sản ở Công viên địa chất Đắk Nông.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư triển khai các nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành, liên ngành liên quan đến hang động núi lửa Krông Nô để phục vụ tốt nhất công cuộc bảo tồn và khai thác hiệu quả di sản ở Công viên địa chất Đắk Nông.

Mai Đan