Gia hạn một số Giấy phép môi trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Môi trường - Ngày đăng : 10:21, 27/05/2021

(TN&MT) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên toàn cầu, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng bởi những rủi ro, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài; hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài và người lao động nước ngoài chịu tác động nặng nề từ Covid-19 khi thiếu nguồn cung lao động. Đại dịch Covid-19 cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào.

Chẳng hạn, trong ngành công nghiệp ô tô, do linh kiện đầu vào khan hiếm cùng với thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước như Honda, Nissan, Toyota, Ford, Hyundai… phải tuyên bố tạm dừng sản xuất, chỉ đến khi thời kỳ giãn cách xã hội kết thúc và chuỗi cung ứng được kết nối trở lại, các doanh nghiệp sản xuất ô tô mới quay trở lại hoạt động… Chi phí sử dụng lao động trong thời kỳ này cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm khẩu trang, nước sát khuẩn, thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động để tránh lây nhiễm vi rút. Nhu cầu của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) bị sụt giảm, từ đó làm suy giảm hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế. Các biện pháp của Chính phủ đang triển khai hiện nay chủ yếu hướng tới kích thích tổng cầu và phục hồi sản xuất.

Hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: MH

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ nội dung kéo dài thời hạn thực hiện một số điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Theo quy định tại Khoản 39, Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép quản lý chất thải nguy hại, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn hiệu lực ghi trên Giấy phép. Trường hợp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại còn hiệu lực dưới 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực và tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định này thì được gia hạn hoặc cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày hết hạn; sau thời hạn này, tổ chức, cá nhân phải cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, cải tiến công nghệ theo hướng thân thiện môi trường và phải đáp ứng quy định tại Nghị định này mới được xem xét, cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã được cấp Giấy xác nhận trước khi Nghị định này có hiệu lực, được tiếp tục nhập khẩu phế liệu đến hết thời hạn của Giấy xác nhận. Trường hợp Giấy xác nhận đã hết hạn hoặc còn hiệu lực dưới 12 tháng hoặc trường hợp cơ sở đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa có đủ hồ sơ bổ sung theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 55 Nghị định này, thì được gia hạn hoặc cấp lại Giấy xác nhận trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết hạn hoặc cấp mới Giấy xác nhận trong thời hạn 1 năm. Sau thời hạn này, tổ chức, cá nhân phải cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện môi trường và phải đáp ứng quy định tại Nghị định này mới được xem xét, cấp Giấy xác nhận theo quy định. Giấy xác nhận đã cấp cho tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu hết hiệu lực khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở đề nghị của Đại sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội các nhà máy đúc Nhật Bản tại Việt Nam… Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình và được Chính phủ đồng ý cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thuộc các trường hợp nêu trên được phép kéo dài thời hạn hiệu lực Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đến ngày 31/12/2021.

Trên cơ sở Văn bản đề nghị của doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, ban hành Quyết định gia hạn Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với từng trường hợp cụ thể.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2020

Linh Chi