Hà Nội nỗ lực thực hiện đề án môi trường làng nghề

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 12:33, 26/05/2021

(TN&MT) -Thành phố Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với 1.350 làng có nghề, trong đó 272 làng nghề được UBND TP cấp bằng công nhận làng nghề.

Các làng nghề này đã có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tuy nhiên việc phát triển làng nghề tự phát, không theo quy hoạch đã gây ra không ít hệ lụy cho tương lai như gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nghề tái chế  là một trong những nghề gây ô nhiễm môi trường nặng nề

Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, ngày 31/8/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND về “Phê duyệt đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, qua rà soát, đánh giá môi trường tại 228 làng nghề truyền thống, theo 5 nhóm: Làng nghề thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; chế biến nông sản thực phẩm; tái chế kim loại và các làng nghề khác. Kết quả phân tích các quy chuẩn về môi trường cho thấy, cả 5 nhóm làng nghề này đều gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Trong đó, nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có nhiều thông số ô nhiễm ở mức cao, vượt quy chuẩn từ 1,05 đến 26,5 lần.

Hệ lụy từ làng nghề để lại là ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng

Theo kế hoạch đặt ra, Hà Nôi sẽ tập trung di chuyển các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp tập trung. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chương trình, tìm giải pháp cho vấn đề này. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố đang thúc đẩy tiến độ cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng 70 cụm công nghiệp đang hoạt động; đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp thành lập trong giai đoạn 2018-2020; đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư vào 46 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch...; phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có 159 cụm công nghiệp làng nghề, bảo đảm di dời các làng nghề gây ô nhiễm vào hoạt động.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố kêu gọi đầu tư vào 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn 569 tỷ đồng và đầu tư 46 cụm công nghiệp làng nghề cho các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn 8.983,8 tỷ đồng... Khi hoàn thành, các dự án này sẽ cơ bản xử lý được ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.

Ô nhiễm môi trường không khí từ làng nghề chế biến nông sản tại xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội

Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, 100% làng nghề trên địa bàn thành phố đều có cam kết và phương án bảo vệ môi trường. Việc xử lý nước thải của các làng nghề đã được các địa phương quan tâm, cải thiện. Mặc dù vậy, kết quả thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội được công bố mới đây vẫn cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại. Qua điều tra, khảo sát thực tế, lấy mẫu phân tích các thông số quan trắc để đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xác định toàn thành phố hiện còn 33 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng, 19 làng nghề bị ô nhiễm nguồn nước. Đối với môi trường không khí, có 1 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng và 4 làng nghề bị ô nhiễm.

Để thành phố Hà Nội sớm đạt được mục tiêu đề ra trong bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngoài cơ chế, chính sách, sự đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như sự nỗ lực của chính quyền các cấp thì việc cộng đồng, người dân làng nghề cùng chung trách nhiệm thì ô nhiễm môi trường làng nghề mới được đẩy lùi và làng nghề sẽ phát triển bền vững. 

D.Minh