Để người trồng rừng làm giàu được từ rừng

Tài nguyên - Ngày đăng : 13:47, 25/05/2021

(TN&MT) - Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản hiện đang trở thành “mũi nhọn” của nước ta với mức tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm. Mặc dù vậy, để phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu trong nước vẫn còn nhiều thách thức, nhất là làm thế nào để nông dân, chủ rừng ở vùng núi, trung du có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng và có nhiều lợi nhuận hơn, trong khi họ là những đối tượng dễ bị tác động bởi thiên tai, rủi ro, biến đổi khí hậu.

Giá trị xuất khẩu tăng nhưng người dân hưởng lợi ít

Theo Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), việc thực hiện các chính sách đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, nhất là giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang phát huy hiệu quả bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có. Chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã có trữ lượng từ trung bình đến giàu; hình thành được vùng nguyên liệu gỗ tập trung gắn với công nghiệp chế biến gỗ. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong các nhóm các ngành hàng nông sản.

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đã tăng từ 12,8 triệu m3 năm 2015 lên khoảng 20,5 triệu m3 năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 2 triệu m3. Từ năm 2016 thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc.

Cần tăng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất.

Giá trị xuất khẩu lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 13,23 tỷ USD năm 2020. Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19 nhưng giá trị vẫn tăng 19,7% so với năm trước, và mục tiêu năm 2021 là 15 tỷ USD.

Theo đánh giá của các địa phương, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, chỉ đạo kịp thời, việc đẩy mạnh cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào trồng rừng và chế biến lâm sản đã giúp hầu hết diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn được phủ xanh, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định môi trường.

Tuy nhiên, đầu tư trong lâm nghiệp vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, như mức đầu tư trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên còn thấp. Thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quản lý, bảo vệ tốt nhưng lại thiếu chính sách cho các đối tượng này hưởng lợi hoặc mức hưởng lợi, đặc biệt là tiền khoán cho công tác bảo vệ rừng hàng năm vẫn còn thấp.

Nguồn ngân sách chủ yếu ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà chưa quan tâm đúng mức đến rừng sản xuất. Chưa có chính sách thu hút, huy động các nhà đầu tư tư nhân vào sản xuất kinh doanh rừng. Thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn, phát triển các loại đặc sản từ rừng.

Tăng hỗ trợ để phát triển chuỗi giá trị

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp. Bên cạnh các quy định về bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, Dự thảo còn đưa ra các quy định về đầu tư trồng rừng, làm giàu rừng; tăng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Người dân có thể nhận hỗ trợ trồng cây phân tán, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy; hỗ trợ phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững…

Dự thảo cũng điều chỉnh tăng mức hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn (do hiện nay diện tích trồng rừng sản xuất phần lớn chỉ còn lại ở vùng sâu, vùng xa, đất dốc, đi lại khó khăn nên chi phí sản xuất cao), phục hồi rừng tự nhiên, phát triển giống cây trồng lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nghị định sau khi được ban hành sẽ đảm bảo yêu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế chung và thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, thời gian tới, mục tiêu của ngành là tập trung vào nâng cao chất lượng rừng, nâng cao cái liên kết theo chuỗi để nâng cao chuỗi giá trị trong sản phẩm lâm nghiệp. Như vậy cơ chế chính sách cũng phải chuyển hướng đầu tư. Đó là cần phân định rất rõ chính sách đầu tư là Nhà nước sẽ đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để đảm bảo môi trường cũng như đa dạng sinh học lâu dài của đất nước.

Cùng với đó, hỗ trợ cho việc phát triển sản xuất nhưng cơ bản là hỗ trợ về nguồn lực, hỗ trợ cho những hộ nông dân nghèo, những người yếu thế để tiếp cận được với những chính sách nâng cao đời sống gắn với bảo vệ phát triển rừng.

Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu. Và hướng đi là không chỉ các nhà xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến gỗ lâm sản được lợi, mà chính các chủ thể là những người trồng rừng, tạo ra sản phẩm lâm nghiệp sẽ có thể nâng cao giá trị ở chính khâu cung ứng.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc tạo ra cơ chế đảm bảo sự hài hòa, bình đẳng sẽ khiến cả chuỗi phát triển cao hơn và bền vững. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự hợp tác, liên kết sản xuất hướng đến thị trường, đồng thời, góp phần nâng cao năng lực cho các thành phần tham gia và tăng sức cạnh tranh cho ngành thương mại lâm sản của Việt Nam.

Khánh Ly