Ngôi trường “chắp vá” trên đỉnh Phia Khăm

Xã hội - Ngày đăng : 17:10, 21/05/2021

(TN&MT) - Gọi là trường “chắp vá” bởi vì những phòng học, lớp học tại trường đều đã xuống cấp quá nghiêm trọng. Mối, mọt, mọi thứ đều rách nát nên các thầy cô giáo phải dùng những tấm bạt, những tấm phên tre nứa thưng lại, chằng chống tạm bợ để cho các em học sinh có nơi “tìm cái chữ”…

Vào những ngày giữa tháng 5 nóng như đổ lửa của tiết trời miền Tây xứ Nghệ, vượt hơn 300 cây số, chúng tôi từ TP. Vinh dò tìm vào Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1. Nằm cách thị trấn Mường Xén (huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) khoảng 45km, con đường dốc núi uốn lượn quanh co khiến cho quãng đường tưởng chừng như thêm phần kéo dài.

Bỏ dở buổi tập huấn, đón chúng tôi tại trường, thầy giáo Doãn Chí Trung – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1 mời khách nghỉ ngơi khoảng 10 phút rồi tiếp tục cho 3 thầy giáo dùng xe máy chở chúng tôi vào điểm trường bản Phia Khăm 1.

Đường vào điểm trường bản Phia Khăm 1

Điểm trường bản Phia Khăm 1 dù chỉ nằm cách trung tâm xã Bắc Lý khoảng 5 -6km nhưng đường rất khó đi vì đang là đường đất. Dốc đá quanh co, đá hộc lởm chởm nên việc vào điểm trường cực kỳ gian nan, vất vả. Mặc dù đã được các thầy “cảnh báo” trước đó về độ khó của đường đi nhưng chúng tôi cũng chưa thể hình dung được về “le vờ” gian nan của con đường độc đạo tiếp cận điểm trường này.

Cả 3 chiếc xe máy ì ạch lên đường. Con đường dốc cao chót vót, lởm chởm đá khiến cho những chiếc xe máy lảo đảo, tiếng máy gầm rú nhả khói khét lẹt. Đến cuối dốc thì chiếc xe chở anh bạn đồng nghiệp của tôi bị hỏng. Khi đó, chúng tôi mới hiểu được mục đích của các thầy bởi trước đó tôi cứ đặt câu hỏi “tại sao có 2 nhà báo đi mà thầy giáo hiệu trưởng lại cho những 3 xe máy “tháp tùng””. Xe “sơ cua” phát huy tác dụng tức thì, nhanh chóng chở anh đồng nghiệp của tôi tiếp tục hành trình vào bản.

Một góc bản Phia Khăm 1

“Đi vào trong này có 2 điểm trường thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1 là điểm bản Phia Khăm 1 và Phia Khăm 2. Cả 2 điểm trường đều rất khó khăn từ đường đi đến cơ sở vật chất, các thầy cô giáo “cắm bản” trong này rất vất vả, thiệt thòi đủ đường” – Thầy giáo Lâm Văn Giáp, “tài xế” chở tôi đi kể.

Mất hơn 30 phút vật lộn với con đường dốc đá, bản Phia Khăm 1 hiển ra trước mắt. Đây là ngôi bản nằm cheo leo bên sườn núi, những ngôi nhà sàn nhỏ thấp đặc trưng của người dân tộc Khơ Mú nằm san sát. Cả bản có 120 hộ dân, thì tất cả đều là dân tộc Khơ Mú, phần lớn là hộ nghèo. Điểm trường Phia Khăm 1 nằm trên một ngòn đồi cao nhất của bản, 3 phía là nhà người dân vây quanh, phía sau là dốc núi thẳng đứng.

Điểm trường Phia Khăm 1 thuộc Trường PTDTBT tiểu học Bắc Lý 1 nằm cheo leo trên đỉnh đồi

Đón chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng cho các cháu học sinh lớp 1 mà cô phụ trách ngồi tự học. Thấy người lạ vào lớp, các cháu nhỏ đứng dậy vòng tay ngoan ngoãn đồng thanh “chúng em chào thầy ạ”.

Cô Hằng kể, trước đây điểm trường Phia Khăm 1 có 5 lớp học từ khối 1 đến khối 5. Tuy nhiên, từ năm học 2018-2019 có chủ trương chuyển các cháu từ khối 3 đến khối 5 ra điểm trường chính ở trung tâm xã. Từ đó đến nay điểm trường Phia Khăm 1 này còn lại 2 lớp là lớp 1 và lớp 2.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng vẫn miệt mài "gieo chữ" trong lớp học xập xệ, chắp vá

Được biết, để tạo điều kiện cho các thầy cô ổn định gia đình, yên tâm công tác, nhà trường đã phân công cho đôi vợ chồng thầy Phan Văn Khanh và cô Nguyễn Thị Thúy Hằng phụ trách giảng dạy tại điểm trường này. Thầy Khanh dạy lớp 2 với 15 học sinh. Còn cô Hằng dạy lớp 1 với chỉ 11 học sinh.

“Ở đây cơ sở vật chất xuống cấp quá rồi. Điểm trường trước đây có 1 dãy nhà với 5 phòng học cho 5 lớp. Do đã được làm từ nhà gỗ, lợp bằng cọ tranh từ hơn 20 năm nay nên các phòng học đều đã xuống cấp trầm trọng. Mối, mọt ăn mục hết các cột, những tấm phên bằng nứa cũng mục nát theo dù đã thay đi thay lại nhiều lần. Hiện, cả dãy 5 phòng học thì còn lại 2 phòng còn có thể “dùng tạm” được dành cho 2 lớp học như hiện nay” – Cô Hằng, tâm sự.

Vợ chồng thầy Khanh, cô Hằng chằng chống phòng học sắp đổ sập

Dẫn chúng tôi tham các phòng học, thầy Khanh lắc nhẹ một cái cột đã mục nát. Mối mọt xào xạc bên trong như đang chực chờ đổ xuống bất cứ lúc nào. Những chiếc cột “rệu rã” được vợ chồng thầy Khanh dùng nhiều cây gỗ, cây tre chằng chống lại chằng chịt.

“Khổ lắm, chỉ sợ những lúc mưa bão, gió lốc ngôi trường đổ sập xuống sẽ nguy hiểm đến tính mạng các cháu học sinh. Chúng tôi dạy và học đều lo nơm nớp mà không biết làm thế nào. Mùa này ở miền núi như xã Bắc Lý mưa gió bất chợt, mà trường lại ở ngay đỉnh đồi nên gió mạnh lắm” – Thầy Khanh nhìn vào những lớp học xập xệ, lo ắng tâm sự.

Nói rồi thầy Khanh kể tiếp, mới cách đây mấy ngày, chiều hôm đó cơn mưa kèm theo gió lớn bất chợt. Các cháu học sinh được nhanh chóng đưa vào những nhà dân gần đó “lánh nạn”. Còn hai vợ chồng thầy Khanh, cô Hằng thì bất chấp nguy hiểm đứng giữ mái tôn khỏi bị bay mái. Cũng may người dân gần đó nhìn thấy thế xắn tay vào giúp. “Đánh đu” với giá bão, chờ đến lúc hết mưa mới dùng thép buộc lại mái tôn để dùng tạm.

Em Cụt Thị Nhi, học sinh lớp 2, điểm trường bản Phia Khăm 1 thường xuyên phải địu đứa em nhỏ trên lưng đến lớp khiến ai nhìn thấy đều không khỏi xót xa, chạnh lòng...

Vào thời điểm chúng tôi có mặt, em Cụt Thị Nhi, học sinh lớp 2, người nhỏ thó đang chăm chú đọc bài trong giờ tự học nhưng địu trên lưng em là đứa em nhỏ mới khoảng 1 tuổi đang ngủ ngon giấc. Nhìn thấy cảnh tượng này không ai không khỏi xót xa, chạnh lòng.

“Ở Phia Khăm đều là đồng bào người dân tộc Khơ Mú, đa số gia đình các cháu đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Thường thì bố mẹ đi làm ăn xa ở trong Nam, ngoài Bắc, ông bà thì thường xuyên đi rẫy nên việc học của các cháu đều phó mặc cho các thầy cô giáo. Cá biệt, ở lớp 2 mà tôi phụ trách thường xuyên có 5 đến 6 em học sinh phải địu em nhỏ trên lưng đến lớp học. Về quy định thì không được phép nhưng do tình thế bắt buộc nên nếu không cho như thế các cháu sẽ nghỉ học ngay” – Thầy Khanh, thở dài nói.

Dẫy phòng học không thể cũ nát hơn ở điểm trường bản Phia Khăm 1

Nói về đời tư, cô Hằng kể: Tôi “bén duyên” với bản vào năm 2011, sau khi tốt nghiệp thì khăn gói lên miền núi. Khi đó, trong suy nghĩ của tôi cũng không thể tưởng tượng được những khó khăn, vất vả thiếu thốn trong việc dạy và học cũng như cuộc sống ở miền sơn cước. Thầy Khanh khi đó cũng dạy học ở Bắc Lý, hai người gặp yêu nhau, sau đó năm 2012 thì “về chung một nhà”. “Hai con nhỏ bất đắc dĩ phải gửi với ông bà nội ở quê dưới Tân Kỳ. Lúc nào cũng nhớ con da diết nhưng vì công việc, vì nhiệm vụ, vì các em học sinh nên đanh phải chấp nhận” – Cô Hằng lau vội nước nước khi nhắc đến 2 người con ở quê.

Việc dạy và học ở điểm trường bản Phia Khăm 1 có quá nhiều thử thách

Thầy Khanh kể tiếp: “Nước để sinh hoạt thì rất hiếm. Ngày nào cũng phải dậy từ 4h sáng đi xách vài can nước về để vợ chồng dùng và đun nước cho các cháu học học sinh uống. Điện cũng không có, mùa hè thì nắng nóng như “lò bát quái”, mùa đông thì gió lùa vào lớp học cũ nát, nhìn các cháu rét run trong những cái áo mỏng manh, cũ kỹ mà thấy xót vô cùng. Chuyện dạy và học trên đỉnh Phia Khăm cơ cực lắm Nhà báo ơi…!”.

Thầy giáo Doãn Chí Trung – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1, tâm sự rằng, chuyện dạy và học ở vùng cao là câu chuyện trăn trở còn phải kể dài dài. Riêng ở xã Bắc Lý có đến 5 điểm trường lẻ thì đã có 3 điểm trường gồm điểm trường Phia Khăm 1, Phia Khăm 2 và điểm trường bản Na Kho là phân công cho 2 giáo viên là cặp đôi vợ chồng.

Dãy nhà 5 phòng học (trong tổng số 11 phòng học) của điểm trường chính Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1 cũng đã xuống cấp nghiêm trọng

“Vừa đặc thù công việc, vừa là để đảm bảo hạnh phúc gia đình, chuyện tình cảm gia đình nên phải ưu tiên như thế. Khó khăn, thiếu thốn, vất vả, thiệt thòi về cả vật chất lẫn tinh thần là vậy nhưng các thầy cô trường chúng tôi đều luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học ở mái trường vùng cao Bắc Lý” – Thầy Trung, tâm sự với giọng đầy tự hào.

Đình Tiệp