Đại học TN&MT Hà Nội sẵn sàng cho phương án thi và bảo vệ khóa luận online

Xã hội - Ngày đăng : 15:40, 21/05/2021

(TN&MT) - Là một trong những trường đại học trên cả nước lên phương án thi và bảo vệ khóa luận online trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, trong những ngày qua, Đại học TN&MT Hà Nội đã ráo riết chuẩn bị sẵn sàng cho phương án này.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội

Để hiểu rõ hơn về phương án thi và bảo vệ khóa luận online, cũng như quá trình thực hiện đang được triển khai đến đâu, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội.

PV: Xin ông cho biết, phương án thi và bảo vệ khóa luận online đang được Nhà trường triển khai đến đâu?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã có sự chuẩn bị trước các tình huống, vì vậy Nhà trường không lúng túng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Với đội ngũ nhân sự về IT hùng hậu, cùng nền tảng phần cứng sẵn sàng đáp ứng cho việc học và thi online nên lần này việc chuẩn bị hoàn toàn nằm trong tính toán của lãnh đạo trường.

Trước hết, Nhà trường đã ban hành các chỉ đạo về triển khai các công tác phòng chống dịch, cũng như các văn bản quy định về quản lý đào tạo, sinh viên… trong bối cảnh dịch bùng phát. Từ các quy định về đào tạo đó, Nhà trường đã chỉ đạo bộ phận IT phối hợp với các đơn vị chuyên môn để chạy thử nghiệm các đề thi online cũng như cho bảo vệ thử theo hình thức online. Về cơ bản đã thu được kết quả rất tốt, phần mềm ổn định, kết quả đánh giá chính xác.

Cuối cùng, trường đã kích hoạt bộ máy truyền thông của nhà trường để tuyên truyền không chỉ về các tình huống chống dịch, mà còn thông báo để các em chuẩn bị tinh thần ứng xử với phương pháp thi mới.

PV: Xin ông nói rõ thêm về phương án này, nhiệm vụ cụ thể của giảng viên và sinh viên năm cuối khi thực hiện phương án này sẽ như thế nào?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Nhà trường sẽ thực hiện phương án thi online cho tất cả sinh viên trong toàn trường, chứ không chỉ sinh viên năm cuối. Với sinh viên năm cuối thì có thêm hình thức bảo vệ khóa luận, đồ án tốt nghiệp và một phần là thi học phần thay thế. Do vậy, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh chúng tôi sẽ xem xét nên thi đến đâu.

Việc bảo vệ khóa luận online nghe rất “cao siêu” nhưng về bản chất, nó chỉ tương tự như một hội thảo nhỏ, chỉ khác về cách thức các sinh viên nộp báo cáo tiền bảo vệ và hoàn thiện hồ sơ sau bảo vệ… Điều này chúng tôi đã có quy định cụ thể trong quy chế đào tạo theo tình hình mới. Ngoài ra, toàn bộ các buổi bảo vệ đều được ghi lại và lưu trữ để phục vụ cho công tác hậu kiểm sau này.

Với các hình thức thi online, có một phần thuận lợi là chúng tôi từng tổ chức và có bộ ngân hàng đề thi khá phong phú, nên giờ chỉ cần bộ phận IT của chúng tôi ngồi mã hóa lại một số tính năng như giám sát người thi, hạn chế gian lận là được. Tuy nhiên, nhà trường cũng nhận thấy dù phần mềm có hoàn thiện thế nào thì cũng khó triệt tiêu gian lận, nên vẫn ưu tiên phương án ra đề mở để thí sinh chủ động sáng tạo cũng như tối ưu điểm công bằng cho các em hơn.

Đại học TN&MT Hà Nội đang ráo riết chuẩn bị sẵn sàng cho phương án thi và bảo vệ khóa luận online

Vì vậy, nhiệm vụ của giảng viên vẫn chủ yếu là tập trung ra đề và sinh viên thì dĩ nhiên là tập trung thời gian học thật tốt. Các em nên yên tâm vì thi online hay offline cơ bản sẽ không khác nhau.

PV: Thi tốt nghiệp và bảo vệ khoá luận online sẽ đảm bảo đúng tiến độ cấp bằng cho sinh viên năm cuối, nhưng như ông chia sẻ ở trên, liệu rằng phương án này có đảm bảo tính công bằng, khách quan, thưa ông?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Không có một phương án nào là tuyệt đối, nhất là với những phương án mà lần đầu được sử dụng như bối cảnh dịch hiện nay. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về bảo vệ khóa luận thì online hay offline cơ bản là giống nhau, chỉ khác là người bảo vệ và hội đồng không trong cùng một phòng, nhưng vẫn tương tác với nhau bình thường nên tiến độ cũng như chất lượng sẽ không khác nhiều so với cách bảo vệ truyền thống. Có chăng, chỉ với các môn thi kết thúc học phần thì khi thi online sẽ có nhiều bất tiện như đã nêu ở trên.

PV: Được biết, năm nay là năm đầu tiên trường triển khai phương án thi và bảo vệ khóa luận online. Vậy xin ông chia sẻ, trường đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Mặc dù đây là năm đầu trường triển khai thi online, nhưng do lãnh đạo Nhà trường đã có sự chuẩn bị trước, ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát từ năm 2020, chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận chức năng chuẩn bị xây dựng trước các kịch bản để ứng phó kịp thời trong trường hợp có dịch và dịch kéo dài… Khi đã có kịch bản, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tâm thế, cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật để thực hiện nên cơ bản chúng tôi đã sẵn sàng cùng sinh viên của trường vượt qua khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được rất nhiều sự động viên, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vì thế chúng tôi rất yên tâm và vững tin vào kết quả sẽ đạt được.

Khó khăn lớn nhất là tâm lý sinh viên, các em vẫn còn hoang mang và lo lắng khi thi online. Mặc dù đã được bộ phần truyền thông của trường xác định tư tưởng trước cho các em, nhưng vì chưa thi bao giờ nên cơ bản vẫn còn nhiều hoang mang. Tuy nhiên, với sự sẵn sàng như hiện nay của nhà trường, tôi tin tưởng rằng, chỉ sau 1-2 ca thi là các em hoàn toàn tự tin và thú vị với cách thi mới trong bối cảnh hiện nay. Nhất là, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chuyên gia công nghệ thông tin của nhà trường – những người luôn đồng hành cùng các em để kịp thời khắc phục sự cố kỹ thuật nếu có.

PV: Đối với các sinh viên không phải là năm cuối, Trường cũng đang áp dụng hình thức dạy và học online. Năm nay là năm thứ 2 trường áp dụng hình thức này. Ông nhận thấy phương pháp này có hiệu quả và có nên được Trường triển khai kể cả trong thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát và học sinh có thể quay lại trường?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy: Xét về ưu - nhược điểm thì trong bất cứ vấn đề nào cũng đều có tính hai mặt. Giảng dạy theo phương pháp truyền thống cũng không ngoại lệ, cũng có những hạn chế nhất định ngoài ưu điểm, thì dĩ nhiên dạy online cũng vậy. Mặc dù nhiều người hay nói đến nhược điểm của dạy và học online nhưng cá nhân tôi thấy nó cũng có nhiều điểm rất hay nếu biết tận dụng.

Với phương pháp truyền thống, ưu điểm của phương pháp này là face to face -người dạy tiếp xúc trực tiếp với người học nên dễ dàng truyền cảm xúc cho người học, ngược lại người học cũng dễ cảm nhận được các cung bậc của tri thức mà người thầy muốn truyền đạt cho mình. Ngoài ra, với một số môn học mang nặng tính thực hành thí nghiệm thì rất cần người học và dạy phải có mặt tại địa điểm đảm bảo đủ về điều kiện kỹ thuật, mặc dù hiện nay chúng tôi cũng đã xem xét đến việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc lập và mô phỏng một số thao tác thí nghiệm trong lĩnh vực môi trường nhưng vẫn mới chỉ là ở giai đoạn ý tưởng. Tuy nhiên, với các học phần mang tính thực nghiệm cao thì trải nghiệm thực tế vẫn là quan trọng nhất. Và đây chính là điểm mấu chốt mà phương thức học online không bao giờ có được.

Tuy vậy, phương thức học truyền thống lại đòi hỏi người học và dạy phải cùng đến trường, trong khi nhiều học phần hoặc nhiều phần trong một học phần lại cần nhiều thời gian nghiên cứu hơn, cần thời gian để tìm tòi số liệu hơn, và quan trọng là bất cứ thời gian nào người học cũng có thể tiếp cận bài giảng của thầy được. Trong tình hình đó, không có cách nào tối ưu hơn cách học online. Vì vậy, hiện nay bộ phận IT của Nhà trường đang tích cực phát triển phần mềm E-learning dựa trên nền tảng mã nguồn mở để trong thời gian tới, trường có thể đưa vào triển khai dạy học theo mô hình Mix-Learning. Đây là sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và online trong cùng một học phần mà không quan tâm đến việc có dịch bệnh hay không.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Mai Đan (thực hiện)