Hà Nội khuyến khích người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng
Xã hội - Ngày đăng : 15:37, 21/05/2021
Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của UBND TP. Hà Nội luôn được quan tâm đẩy mạnh, qua đó, rất nhiều TTHC đã được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4.
Cụ thể, tính đến 30/11/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 mà thành phố đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là 1.685. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp được thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế).
Cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND TP. Hà Nội |
Thực hiện thỏa thuận hợp tác với Bưu điện thành phố về sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đến nay, đã có 25 đơn vị đăng ký thực hiện dịch vụ bưu chính công ích.
Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với giải quyết thủ tục hành chính do thành phố tổ chức khảo sát năm 2019 (công bố năm 2020): Khối sở đạt 89,57%; khối quận, huyện, thị xã đạt 95,75%. Năm 2020, đã có 9 đơn vị đăng ký sáng kiến cấp thành phố trong cải cách thủ tục hành chính.
Theo nhận định, đánh giá, trước đại dịch Covid-19, việc thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong luân chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, tránh việc tụ tập đông người, đặc biệt là tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp hợp lý và thuận tiện cho người dân.
Để bảo đảm việc chủ động phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi tiếp nhận giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố, UBND thành phố vừa ban hành Công văn số 1477/UBND-KSTTHC về thực hiện một số giải pháp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, UBND giao Giám đốc, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn người dân cân nhắc thời điểm để yêu cầu giải quyết các TTHC, ưu tiên lựa chọn việc thực hiện các TTHC trên môi trường mạng, thông qua Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố hoặc thực hiện TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích của thành phố.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ phân luồng, hướng dẫn người dân đến giao dịch; phân chia vị trí tiếp nhận, trả kết quả hợp lý, đảm bảo trong bộ phận “một cửa” bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong bộ phận “một cửa”, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Hướng dẫn và yêu cầu người dân khi đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch.
Khai thác các kênh thông tin như: Cổng thông tin điện tử của đơn vị; của thành phố và Chính phủ; tổng đài điện thoại; loa truyền thanh; sử dụng mạng xã hội hoặc các công cụ khác phù hợp với quy định để công dân đặt lịch hoặc xếp số thứ tự, hướng dẫn hồ sơ và hẹn thời gian tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả.
Phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Hà Nội, các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện việc tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân qua hệ thống bưu chính đối với những TTHC không bắt buộc công dân phải đến nộp và nhận trực tiếp trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (trường hợp những thủ tục đã có kết quả giải quyết trước đó đơn vị liên hệ với công dân để chuyển trả kết quả qua hệ thống bưu chính) để hạn chế thấp nhất số lượng công dân đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.
UBND thành phố cũng yêu cầu Bưu điện thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì mở cửa các điểm giao dịch, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị trên địa bàn trong việc thực hiện việc chuyển phát hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và của thành phố.
Cuối cùng UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tích cực đổi mới, cải tiến cách thức làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố; tăng cường việc ứng dụng CNTT, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, giải quyết các TTHC; phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Hà Nội, các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả, an toàn phòng, chống dịch bệnh; huy động sự tham gia của đoàn viên, thanh niên trong hoạt động tiếp nhận, trả kết quả TTHC trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị và yêu cầu phòng chống dịch.