Đẩy nhanh tiến độ 4 Tiểu dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:10, 21/05/2021
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ giao, tổ chức thực hiện gồm 4 Tiểu dự án Ban được giao làm chủ đầu tư thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) và 16 dự án được giao ủy thác quản lý.
Theo đó, đối với Tiểu dự án 1: “Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại ĐBSCL”, hiện, Bộ TN&MT đã phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình các trạm quan trắc và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu còn lại của Tiểu dự án 1. Trong tháng 5, Ban sẽ tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch.
Đối với Tiểu dự án 2: “Nâng cấp, xây dựng mạng lưới quan trắc nước dưới dất ĐBSCL trong điều kiện BĐKH”, Ban đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cho 7/8 gói thầu Tiểu dự án 2, giai đoạn 2 và công tác rà phá bom mìn ngoài hiện trường; xây dựng tường bao quanh khu vực lỗ khoan; chuẩn bị triển khai các hoạt động xây dựng và khảo sát lắp đặt các lỗ khoan;...
Hiện nay, 11/12 gói thầu thuộc Tiểu dự án 3: “Xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám” đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và đang được triển khai thực hiện các hạng mục. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia của Công ty Airbus DS GEO SA chưa sang được để triển khai lắp đặt thiết bị nâng cấp hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh và cung cấp dịch vụ truy cập ảnh viễn thám SPOT6/7 dẫn đến ảnh hướng đến tiến độ của dự án.
Ban cũng tích cực triển khai các hoạt động thiết kế xây dựng công trình, thiết kế chi tiết hạng mục xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm, phần cứng;... thuộc Tiểu dự án 4: “Đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL tích hợp dữ liệu TN&MT khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH”. Dự kiến, trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với các Nhà tư vấn thiết kế để lập cam kết bảo vệ môi trường, thẩm định giá vật tư thiết bị để làm cơ sở thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công hàng rào tạm, rà phá bom mìn và gửi hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán gửi Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ thẩm định.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp trực tuyến (Ảnh: MH) |
Bên cạnh việc thực hiện 4 Tiểu Dự án được giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý cũng đang nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ để đảm bảo tiến độ giải ngân 16 Dự án được giao ủy thác quản lý như: Xây dựng cơ sở vật chất Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1; Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật Liên đoàn Quy hoạch và điều tra Tài nguyên nước miền Nam; Xây dựng khu liên cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ; Sửa chữa, nâng cấp công trình trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường tại số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội.
Sửa đổi, lắp đặt bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tăng cường năng lực giám sát tài nguyên môi trường cho Cục Viễn thám quốc gia tại số 79 Văn Tiến Dũng; Xây dựng kho lưu trữ bảo quản tập trung toàn bộ tài liệu nguyên thủy Địa chất - Khoáng sản.
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật Trung tâm Phân tích Thí nghiệm địa chất; Trạm Dò tìm, Tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh; Đầu tư xây dựng Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới Quan trắc môi trường quốc gia; Tăng cường năng lực cơ sở vật chất Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.
Xây dựng mới 66 điểm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; Tăng cường cơ sở vật chất các đơn vị phía Bắc thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia; Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều tra cơ bản cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị cho Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc và Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển; Khu liên cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Phú, do tình hình dịch Covid- 19 kéo dài và lây lan rộng làm ảnh hưởng rất lớn trong triển khai công việc, đặc biệt làm ảnh hưởng đến dự án WB9 do Ban làm Chủ đầu tư như tạm dừng các chuyến bay quốc tế nên chuyên gia không thể sang và triển khai các hoạt động như đã ký kết.
Đồng thời, Ban Quản lý đang làm việc với Đoàn hỗ trợ thực hiện dự án lần thứ 8 của Ngân hàng Thế giới. Theo kế hoạch, ngày 3/6/2021 sẽ có buổi họp tổng kết với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới. Vì vậy, theo đề xuất của Ngân hàng Thế giới, Ban Quản lý kính đề nghị Thứ trưởng chủ trì buổi họp tổng kết với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới, trong đó, sẽ có các thống nhất cụ thể triển khai các bước tiếp theo của Dự án WB9, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến Tiểu dự án 4.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên ghi nhận những nỗ lực của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trong việc thực hiện các dự án. Tuy nhiên, Ban cũng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ các dự án, hoàn thành theo kế hoạch.
Thứ trưởng đặc biệt quan tâm đến 4 tiểu dự án của Dự án WB9, đồng thời, đề nghị Ban quản lý chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ để tập trung nguồn lực thực hiện tiến hành đồng bộ các gói thầu của cả 4 tiểu dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng; đến thời hạn năm 2022 chỉ còn những hạng mục cuối của Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL - Đây sẽ là nỗ lực rất lớn của Bộ trong thời gian tới.
Cùng với đó, để chuẩn bị cho buổi họp tổng kết với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới dự kiến diễn ra vào ngày 3/6 sắp tới, Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý dự án hoàn thiện báo cáo chi tiết các gói thầu, công việc, hạng mục cũng như những đề xuất, kiến nghị để đảm bảo thực hiện hiệu quả các dự án trong thời gian tới.
Với Tiểu dự án 4, theo Thứ trưởng, hợp phần này là dự án lõi quan trọng và cung cấp dữ liệu cho Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL, cũng như thu thập, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu hiệu quả từ các dự án, nghiên cứu khác, do vậy, cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu không chỉ về tài nguyên và môi trường mà còn tổng hợp, toàn diện và bao quát các yếu tố khác nữa.