Hợp tác xã gian nan vượt khó trước đại dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 18:31, 20/05/2021
Theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam (VCA) và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện tại 24 tỉnh/thành phố và 34 Liên minh HTX trên cả nước, HTX trong lĩnh vực vận tải và du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất so với các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại và bán lẻ. Trong bối cảnh dịch bệnh, tính đến cuối năm 2020, nhiều HTX đã phải cắt giảm quy mô lao động (43,1%) và tạm dừng hoạt động (28,7%), và thu hẹp quy mô thành viên (25,8%). Bên cạnh đó, 82,2% số HTX đã bị giảm doanh thu, đặc biệt có tới 42,5% số HTX bị giảm quá nửa doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, HTX thuộc lĩnh vực du lịch cho biết chịu ảnh hưởng nghiêm trọng gần như tuyệt đối 4,83 trên thang điểm 5; các HTX vận tải với mức đánh giá nghiêm trọng ở mức 4,4/5. Họ bị tác động mạnh trong quá trình thực hiện và cung ứng dịch vụ, liên quan đến doanh thu; duy trì lao động, trả lương lao động; chi trả các khoản chi phí, trả lãi vay; số lượng khách hàng/hợp đồng/tour; cạnh tranh từ thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; liên kết giữa các thành viên, HTX khác và các bên đối tác khá.
Ngành du lịch điêu đứng vì đại dịch |
Đặc biệt, số lượng khách hàng/ hợp đồng/ tour và cạnh tranh từ thị trường là hai vấn đề bị tác động mạnh nhất. Giãn cách xã hội, không tập trung đông người là nguyên nhân chính làm giảm rõ rệt lượng khách du lịch. Hàng hóa trì trệ, vận chuyển đóng băng, nhân lực không đủ làm cho thời gian vận chuyển đơn hàng kéo dài hơn trước, dẫn đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng (doanh thu giảm trong khi phụ phí tăng). Các HTX du lịch và vận tải cũng gặp khó khăn do khách hàng chậm thanh toán, không đảm bảo được dòng tiền đề hoạt động.
Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, côn nghiệp và thủ công nghiệp gặp khó nhiều nhất về chi phí lương, bên cạnh đó là chi phí để vận hành dây chuyền, chi trả các nguồn phí cố định như máy móc, nhà xưởng, trả lãi vay… Số lượng đơn hàng giảm cũng gây tồn kho nhiều, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản vốn thiếu cơ sở vật chất để bảo quản lâu ngày. Trong thời gian đại dịch, nhu cầu sử dụng các mặt hàng công nghiệp, thủ công nghiệp cũng sụt giảm. Với HTX ở lĩnh vực thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ, đại dịch đã tác động đến cả nguồn cung cấp hàng hóa đầu vào và quá trình tiêu thụ hàng hóa, chủ yếu là khó khăn về gia và nguồn cung.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX Cùng kinh doanh (Đà Nẵng), do ảnh hưởng của đại dịch, HTX không có doanh thu nhưng vẫn cố gắng hỗ trợ trả lương đầy đủ cho người lao động từ các khoản tích lũy khác. Bà Hiền kiến nghị Trung ương nên có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ dành cho HTX bán vận tải và du lịch, đặc biệt là với các HTX vẫn trả lương cho người lao động, không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, đồng thời, hỗ trợ thêm phí đường bộ và kiểm định (khoản hỗ trợ này hiện còn quá thấp – 300.000/3 tháng/HTX) để giảm bớt thiệt hại HTX phải gánh chịu do đại dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch VCA chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách và chính sách rất kịp thời như giãn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế cho doanh nghiệp rồi cho vay, hỗ trợ lãi suất 0% đối với người thất nghiệp do dịch COVID-19; trong đó, các hợp tác xã và các thành viên hợp tác xã, người lao động là những đối tượng thụ hưởng.
Tuy nhiên, mới chỉ có một phần nhỏ HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Chính sách về giãn thời hạn nộp thuế GTGT có nhiều HTX thụ hưởng nhất cũng chỉ đạt 14% số HTX tham gia khảo sát; ít nhất là chính sách cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động, duy nhất 1 HTX thành công nhận hỗ trợ này.
Các HTX vận tải gặp nhiều khó khăn từ dịch Covid-19 |
Nguyên nhân chính là do các HTX chưa nắm bắt thông tin về chính sách, và điều kiện về đối tượng thụ hưởng hỗ trợ của chính sách lại chưa phù hợp với điều kiện thực tế của HTX. Theo ông Đào Văn Phúc, Giám đốc HTX Cá lồng Kim Lai (Hải Dương), thời điểm dịch bệnh năm 2020, doanh thu của HTX đã giảm hơn 50%, phải cho lao động nghỉ việc không lương. Nhưng HTX không thể vay từ ngân hàng hay quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh HTX Việt Nam do không có tài sản thế chấp. Việc tiếp cận với thông tin các chính sách hỗ trợ của Chính phủ khó khăn vì HTX hoàn toàn không sử dụng điện thoại thông minh hay internet, cũng không theo dõi thường xuyên trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Cùng lý do không có tài sản thế chấp, anh Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn ART (Hà Nội), bản thân anh có biết về thông tin các chính sách hỗ trợ, nhưng xét đến điều kiện để được thụ hưởng chính sách thì HTX không thể đáp ứng và phải vay vốn cá nhân, tuy nhiên nguồn vốn cũng có giới hạn và một số nguồn còn phải chịu lãi. Anh Cường đề nghị, các Bộ, ban ngành cần nhìn vào tiềm năng phát triển của HTX, sử dụng tín chấp thay vì tài sản thế chấp từ HTX, xây dựng một ban hỗ trợ phát triển, rót vốn theo từng giai đoạn và cũng để sát sao thực tế với HTX hơn, đảm bảo nguồn vốn ổn định cho HTX phát triển bền vững.
Một khó khăn nữa là thủ tục nhận hỗ trợ vẫn còn rườm rà, phức tạp, chưa đồng bộ thông tin giữa các cấp cơ quan ban ngành, nên có tình trạng có HTX biết nhưng không làm thủ tục, hồ sơ thụ hưởng chính sách. Chính bởi vậy, Liên minh Hợp tác xã đề xuất các Bộ, ban ngành Chính phủ cần tìm giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các HTX thông qua việc tăng giới hạn vay vốn từ các quỹ tín dụng hiện hành; thay đổi điều kiện vay vốn theo hướng nới lỏng và linh hoạt chấp nhận các hình thức tín chấp hoặc các loại hình tài sản thế chấp khác nhau.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, Chính phủ cần rà soát và ban hành các chính sách hỗ trợ, phát triển HTX mang tính dài hạn hơn về nâng cao năng lực tài chính và chuyển đổi mô hình phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt, chú trọng nâng cao trình độ và năng lực của các HTX thông qua huấn luyện, bồi dưỡng tăng cường về khoa học kỹ thuật mới, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, phát triển thịu trường, dự báo và ứng phó rủi ro… Bản thân các HTX cũng cần chủ động theo dõi, nắm bắt và áp dụng các công nghệ mới trong vận hành, giao dịch nhằm tăng cường năng lực ứng phó trước đại dịch, tìm cơ hội phát triển trong thời gian tới.