“Sốt đất” ở Cần Giờ (TP.HCM): Cẩn thận “trái đắng”

Bất động sản - Ngày đăng : 12:08, 20/05/2021

(TN&MT) - Về Cần Giờ, một huyện đảo của TP.HCM, những ngày này, đâu đâu cũng thấy người hỏi mua đất, nhà nhà cò đất, bán đất. Râm ran từ phà Bình Khánh đến tận trung tâm thị trấn Cần Thạnh là câu chuyện về đất. Cơn sốt đất Cần Giờ tăng vụt khi mới đây dự án đô thị lấn biển, bến cảng được thông tin rộng rãi.

Giá đất tăng cao

Trước đây, giá nhà đất ở huyện Cần Giờ vẫn luôn “án binh bất động” với những mức giá thấp nhất tại TP.HCM. Tuy nhiên, những tháng vừa qua, giá đất tại khu vực này đã tăng cao. Theo người dân ở đây, giá đất Cần Giờ đã tăng từ 5 - 6 triệu đồng/m2 so với năm ngoái, đặc biệt, đất càng gần tuyến đường nối ra biển Cần Giờ có giá càng cao. Nếu như 5 năm trước, Cần Giờ ít được các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm vì đường xá xa xôi, lại phải qua phà Bình Khánh hơi vất vả, thì nay, trước thông tin nhiều “ông lớn” chuẩn bị đổ bộ vào Cần Giờ, giá nhà đất nơi đây bắt đầu “nhảy múa”.

Một môi giới nhà đất cho biết, đất Cần Giờ giờ đã “nóng ran” và chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là đất ở xã Bình Khánh. Đơn cử, giá mặt tiền đường Rừng Sác (xã Bình Khánh), đoạn cách bến phà khoảng 2 km, có giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2. Các tuyến đường nhỏ hơn khu vực này, giá đất cũng dao động trong khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền đường Tắc Xuất, Cần Thạnh - nối từ phà Vũng Tàu ra biển, giá đất được giao dịch khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2, tăng 70 - 80% so với cùng kỳ.

Nhiều đồng ruộng, vuông tôm ở huyện Cần Giờ được ồ ạt rao bán trong cơn “sốt đất”.

Gần đây, tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), không khó để chứng kiến những rặng dừa nước, những vuông tôm được san lấp vội vàng, xẻ đường đi, cắm bảng bán đất khắp nơi. Trên cung đường Rừng Sác, các loại xe ô tô mang biển số các tỉnh, thành phía Nam và cả một số tỉnh, thành phía Bắc… lao vun vút. Trong đó, có không ít các NĐT ở các vùng, miền này đang tranh thủ “đổ bộ” xuống Cần Giờ để “săn đất”.

Được biết, từ khi bến phà cao tốc Cần Giờ - Vũng Tàu đi vào hoạt động, cự ly 15 km đường biển giờ đi lại chỉ chừng 30 phút, việc đi lại của người dân 2 địa phương đã vô cùng thuận tiện. Những ngày cuối tuần, nhiều người dân TP. Vũng Tàu đem xe ô tô lên phà để sang Cần Giờ xem đất. Việc các NĐT từ các vùng miền “để mắt” đến địa bàn huyện Cần Giờ, ít nhiều khiến mặt bằng giá đất “loạn nhịp”. Mới đây, thông tin Khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng gần 3.000 ha với 5 phân khu đã được phê duyệt, một lần nữa đã “thổi” giá nhà đất khu vực này tăng lên “chóng mặt”.

Thận trọng đầu tư

Cách đây 2 năm, khi trên địa bàn TP.HCM xuất hiện thông tin các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… sắp được quy hoạch lên quận, thị trường bất động sản (BĐS), nhà đất ở các khu vực này đã bắt đầu lên cơn sốt, NĐT khắp nơi đổ về tìm kiếm cơ hội để kiếm lời khiến giá nhà đất liên tục tăng. “Cơn sốt đất” này đã nhanh chóng lan rộng, không chỉ các huyện vùng ven mà các quận trung tâm thành phố cũng bị làm giá. Tuy nhiên, “cơn sốt” đã dần hạ nhiệt và nguội hẳn, do cơ quan chức năng khẳng định: 3 huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn hiện chưa thành lập quận.

Trở lại với việc “sốt đất” ở huyện Cần Giờ, các chuyên gia cho rằng, đầu tiên là do thông tin TP.HCM có phương án xây cầu nối huyện đảo này về khu trung tâm nội đô. Kế đến, việc một tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam có thông tin chính thức trở thành chủ đầu tư dự án lấn biển ở huyện đảo này cũng đã “thổi” sức nóng vào giá đất quanh đây. Thêm nữa, tác động của cơn sốt đất đang diễn ra ở nhiều địa phương trong nước khiến cho “nước chảy về chỗ trũng”, một huyện đảo heo hút có giá đất “bèo” nhất tại TP.HCM như Cần Giờ khó có thể nằm ngoài vòng xoáy tăng giá đất.

Mỗi khi xuất hiện thông tin khu vực nào được nâng cấp lên quận hay có thông tin về các dự án lớn, giá đất tại khu vực đó lại nóng sốt, gây bất ổn cho thị trường nhà đất nói riêng và thị trường BĐS nói chung. Do đó, chính quyền địa phương cần phải có ngay các giải pháp minh bạch thông tin về quy hoạch, lộ trình đầu tư kết cấu hạ tầng để nhà đầu tư, người dân biết, tránh chạy theo tâm lý đám đông, rất dễ rơi vào vòng xoáy làm giá của các “cò” đất.

Ông Nguyễn Hoàng Giám đốc Bộ phận

Nghiên cứu Thị trường DKRA Việt Nam

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - CEO Asian Holding, đối với giới đầu tư - kinh doanh BĐS, ở đâu có thông tin BĐS tốt thì ở đó có thể kiếm lời và những cơn sốt đất cũng từ đây nhanh chóng xuất hiện. Thậm chí, giới đầu cơ còn sử dụng nhiều chiêu trò để thổi giá với mong muốn kiếm lời từ các NĐT khác. “Việc đầu tư đón đầu quy hoạch các dự án lớn và hạ tầng xung quanh như là con dao 2 lưỡi. Nếu thuận buồm xuôi gió, NĐT sẽ hốt bạc vì mua được đất giá rẻ rồi bán lại sẽ được giá cao, ngược lại sẽ lỗ nặng, nhất là với những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính”, ông Hậu phân tích thêm.

Còn Chuyên gia BĐS Nguyễn Duy Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Toàn cầu cho rằng, định hướng phát triển của TP.HCM là đưa huyện Cần Giờ thành đô thị nghỉ dưỡng và giải trí, trong đó vẫn đảm bảo việc bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn. Vì vậy, giao dịch mua bán vào thời điểm này có những rủi ro cao vì dễ “dính” quy hoạch. Trước tình hình này, nhà đầu tư, người mua nên chọn những mảnh đất có pháp lý hoàn chỉnh, nếu là đất nông nghiệp tốt nhất là nên chọn sản phẩm có diện tích tối thiểu là 1.000 m2, hạ tầng giao thông ổn định để đảm bảo đầu tư an toàn.

Bài và ảnh: Thục Vy