Chính sách chi trả DVMTR ở Cao Bằng: Góp phần bảo vệ môi trường, người dân được hưởng lợi
Môi trường - Ngày đăng : 09:18, 20/05/2021
Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện và hiệu quả chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Ánh (ảnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng xung quanh vấn đề này.
PV: Để thực hiện chính sách chi trả DVMTR đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, tạo bước đột phá trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tỉnh đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?
Ông Hoàng Xuân Ánh:
Cao Bằng có tổng diện tích tự nhiên 670.026,09 ha, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 547.076,96 ha, chiếm 81,65% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích đất có rừng là 370.478,57 ha (trong đó, rừng tự nhiên 353.539,6 ha; rừng trồng 16.938,97 ha); diện tích đất chưa có rừng là 176.593,41 ha. Năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Cao Bằng là 55,29%.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng |
Căn cứ Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/1/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR); Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 2237/QĐ-UBND ngày 11/9/2011 về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, theo đó Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 5/11/2012, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 1652/QĐ-UBND về thành lập Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng, Quỹ trực thuộc Sở NN&PTNT, hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Ngày 5/12/2012, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 1892/QĐ-UBND về thành lập Hội đồng quản lý Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng do lãnh đạo Sở NN&PTNT làm Chủ tịch. Để tổ chức thực hiện các hoạt động của Quỹ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Điều hành Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ.
Để đảm bảo tính công khai minh bạch, an toàn nguồn kinh phí, chi trả kịp thời, đúng đối tượng, hằng năm, đối với chủ rừng là tổ chức và UBND các xã có số tiền được chi trả DVMTR trên 1 triệu đồng/năm, Quỹ BV&PTR tỉnh sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của tổ chức, UBND xã.
Đối với chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư, UBND xã có số tiền được chi trả tiền DVMTR dưới 1 triệu đồng/năm, Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng thực hiện thông qua hợp đồng ủy nhiệm chi với Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT các huyện trực tiếp thực hiện chi trả tiền mặt cho chủ rừng tại UBND các xã theo kế hoạch và danh sách các chủ rừng do Quỹ BV&PTR tỉnh lập và có sự giám sát của công chức bộ phận nghiệp vụ Quỹ, Kiểm lâm địa bàn.
PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR của tỉnh Cao Bằng từ khi triển khai đến nay?
Ông Hoàng Xuân Ánh:
Từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR của tỉnh Cao Bằng cho đến nay, tổng thu tiền DVMTR từ khi thành lập Quỹ BV&PTR (từ năm 2012 - 2020) là 127.982 triệu đồng. Trong đó, Quỹ BV&PTR Việt Nam điều phối cho Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng (từ năm 2010 - 2020) là 98.570 triệu đồng; thu nội tỉnh (thu ủy thác của các nhà máy thủy điện nội tỉnh) 28.437 triệu đồng; thu cơ sở sản xuất nước sạch 491 triệu đồng; thu lãi ngân hàng 484 triệu đồng.
Tổng chi tiền DVMTR giai đoạn từ 2010 - 2019 đã chi và chi ước chi năm 2020 là 118.751 triệu đồng. Trong đó, từ năm 2010 đến 2019 đã chi cho chủ rừng 74.349 triệu đồng; chi phí quản lý 7.903 triệu đồng; ước thực hiện năm 2020 và kinh phí tồn năm trước chuyển sang chi tiếp cho chủ rừng là 36.499 triệu đồng.
Kinh phí chưa chi và chưa phân bổ năm 2020 là 9.231 triệu đồng (đã có trong Kế hoạch thu và chi năm 2021), trong đó, kinh phí chưa chi gồm chi phí quản lý Quỹ và dự phòng là 6.879 triệu đồng; kinh phí chưa phân bổ 2.352 triệu đồng.
Dịch vụ chi trả môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân. |
Số chủ rừng được chi trả tiền DVMTR là 12.605, trong đó, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư 12.597; 1 chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng; 1 chủ rừng là Công ty TNHH Lâm nghiệp; 5 chủ rừng là tổ chức khác. Ngoài ra, còn có 87 chủ rừng là các tổ chức khác được Nhà nước giao rừng để quản lý (UBND xã, Ban Chỉ huy Quân sự, Đồn Biên phòng, Trường Trung học cơ sở, Hội Cựu chiến binh...). Diện tích rừng được chi trả DVMTR là 227.313,37 ha.
Từ khi thành lập đến nay, Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng đã ký được 15 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, trong đó, 14 hợp đồng thủy điện và 1 hợp đồng với cơ sở sản xuất nước sạch.
PV: Thưa ông, kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR của tỉnh Cao Bằng đã đem lại hiệu quả, nguồn lực và tác động đến môi trường, kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng như thế nào?
Ông Hoàng Xuân Ánh:
Có thể nói, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng tự nhiên hiện có được quản lý bảo vệ tốt, không có vụ vi phạm phá rừng, chất lượng rừng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ che phủ rừng năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Nguồn thu tiền DVMTR đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và cộng đồng, giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho các chủ rừng, đồng thời xã hội hóa được công tác bảo vệ và phát triển rừng, khai thác được tiềm năng của rừng. Chi trả DVMTR góp phần cải thiện sinh kế cho trên 12.605 hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng (trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90%).
Thông qua chính sách chi trả DVMTR đã nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng, người dân đã nhận thức được giá trị của rừng đem lại. Các hộ gia đình sử dụng tiền DVMTR để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, mua thêm cây giống trồng rừng, làm giàu rừng, đặc biệt đời sống hộ gia đình được nâng cao hơn. Cũng từ nguồn tiền DVMTR của các cộng đồng đã hỗ trợ xây dựng đường bê tông vào thôn, xóm; mua sắm một số trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phục vụ sinh hoạt cộng đồng thôn, xóm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!