Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cuộc bầu cử Quốc hội

Trong nước - Ngày đăng : 06:16, 19/05/2021

(TN&MT) - Cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế về Hồ Chí Minh diễn ra đầu tháng 10/2019 có tên Global Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ) đã khẳng định tầm vóc vĩ đại vượt thời đại của Người. Nhiều học giả tham gia Hội thảo nhấn mạnh: Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc sớm có ý thức nhất đi tìm quyền tự do dân chủ cho đồng bào mình.

Điều ấy biểu hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây tháng 6/1919. Điểm thứ 8 của bản Yêu sách này ghi rõ: “Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”. Như vậy, bầu cử, đúng với tính chất của nó là biểu hiện “nguyện vọng” của người dân đã được Nguyễn Ái Quốc quan tâm rất sớm, từ hồi ở Pháp, năm 1919.

Ở Việt Nam, ngay sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phiên họp đầu tiên đã đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc Tổng tuyển cử. Bác vạch ra 6 “nhiệm vụ cấp bách”. Ở “vấn đề thứ Ba”, Người đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống”.

Điều này thể hiện rõ nhất thành quả đấu tranh cũng là hạnh phúc của nhân dân khi lần đầu tiên được hưởng quyền làm chủ, quyền có độc lập tự do ở việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người đại diện xứng đáng thay mặt cho dân gánh vác công việc đại sự quốc gia. Đây cũng là biểu hiện cụ thể nhất của nền dân chủ, mà cho đến nay, bất cứ nhà nước tiên tiến nào trên thế giới cũng phải thi hành. Đồng thời nó biểu hiện cho quyền con người, cũng vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ công dân.

Để triển khai “vấn đề thứ Ba” này, Người ký một loạt Sắc lệnh về thi hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Như Sắc lệnh số 39 (26/9/1945) lập một Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 34 (20/9/1945) lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Sắc lệnh số 51 (17/10/1945) quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày chính thức là 23/12/1945; Sắc lệnh số 76 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ấn định lại ngày Tổng Tuyển của và nộp đơn ứng cử ... Những Sắc lệnh này khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan, chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử.

Sắc lệnh số 76 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ấn định lại ngày Tổng Tuyển của và nộp đơn ứng cử

Ngày 31/12/1945, trên báo Cứu quốc (số 130), Bác viết bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử nêu một cách ngắn gọn, khái quát nhưng đầy đủ nhất về mục đích, vai trò của Tổng tuyển cử: “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”; Đề cập đến trách nhiệm và nghĩa vụ, quyền hạn của mọi công dân “hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử”; Tổng tuyển cử là dịp để tất cả mọi người, từ 18 tuổi trở lên “Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Các trí tuệ lớn luôn có năng lực diễn đạt những điều phức tạp nhất trong ngôn từ dễ hiểu nhất. Hồ Chí Minh là trường hợp rất tiêu biểu!

Sau này hầu hết các văn bản Nhà nước về xây dựng Hiến pháp, Pháp luật, các chính sách liên quan đến vấn đề dân chủ đều lấy câu nói của Bác làm điểm tựa ý nghĩa: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”. Về tầm quan trọng của bầu cử, có lẽ không diễn giải nào cô đúc mà giản dị, dễ hiểu hơn câu văn của Bác: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

 

Trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước nhà, trên báo Cứu quốc số (134) ngày 5/1/1946, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu:

“Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946.

Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.

Bài viết chưa đầy một trang giấy, chỉ ba bốn trăm chữ nhưng có tới 10 lần điệp lại hai chữ “Ngày mai”. Chỉ trong ba đoạn mở đầu cũng là ba câu tách hàng đứng riêng để nhấn mạnh đã có tới 5 lần “Ngày mai”... Bao nhiêu hồi hộp, bao nhiêu tin tưởng dồn tụ vào hai chữ “Ngày mai” ấy. “Ngày mai” cũng là mở ra một tương lai tươi sáng. Tổng tuyển cử sẽ mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho cả dân tộc. Vượt lên trên giá trị tu từ, hai chữ “Ngày mai” này mang ý nghĩa lịch sử của thời đại: Lần đầu tiên Việt Nam có dân chủ! Lần đầu tiên người Việt Nam tự do theo nghĩa đầy đủ, đích đáng nhất!

“Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu để chống quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.Nếu soi chiếu vào khái niệm “đối thoại văn hóa” trong toàn cầu hóa hôm nay, thì trong Lời kêu gọi của Bác là một “đối thoại văn hóa” đích thực. Bởi “lá phiếu” ấy chính là tiếng nói đối thoại một cách văn hóa nhất. Bác Hồ chính là người hiểu và vận dụng sâu sắc ý nghĩa đối thoại của “lá phiếu” này:

Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,

Kiên quyết chống bọn thực dân,

Kiên quyết tranh quyền độc lập”.

Ngày nay người ta gọi đó là “đối nội” và “đối ngoại”. Bác không nói như vậy nhưng ai cũng hiểu. Thì ra lá phiếu của mình còn là một thứ vũ khí “để chống quân địch” (khi đất nước có giặc. Còn hôm nay cũng là một vũ khí “bắn” vào kẻ bịa đặt, xuyên tạc, vu khống nước ta thiếu dân chủ!). Lá phiếu ấy là sự khẳng định với thế giới về bản lĩnh, về cá tính, bản sắc mình. Thế nên hai chữ “kiên quyết” Bác điệp lại 3 lần!

Sinh thời, Bác là ứng cử viên cũng là cử tri đi bầu cử ba nhiệm kỳ Quốc hội: khóa I (1946 - 1960); khóa II (1960 - 1964); khóa III (1964 - 1971). Ở cương vị nào Bác cũng là tấm gương về tinh thần, trách nhiệm của một công dân mẫu mực. Trong “Lời phát biểu trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách Khoa), Bác nói với cử tri, với các ứng cử viên khác cũng là nói với chính mình: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.

Lời nói ấy trở thành ánh sáng soi đường cho hôm nay

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội Khóa I bầu ra

Ngày 23/5/2021 tới đây, cả đất nước Việt Nam hân hoan trong Ngày Hội non sông bầu cử Quốc hội khóa VXV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; cũng vào dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Mỗi lá phiếu có trách nhiệm của chúng ta trong Ngày bầu cử tới đây là tấm lòng của mỗi người con mừng sinh nhật Bác - Người đã sinh ra từ tinh hoa, khí phách của dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú