Bộ đội Trường Sa khắc sâu lời Bác dạy
Xã hội - Ngày đăng : 11:36, 18/05/2021
Cảm xúc thiêng liêng trước Nhà tưởng niệm Bác Hồ
Sau những giờ hải trình trong sóng gió, đoàn công tác thứ tư chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn vào một sáng trung tuần tháng năm. Khó có thể nói hết được cung bậc cảm xúc của mỗi người khi bàn chân đặt lên mảnh đất thiêng liêng phía ngàn khơi Tổ quốc. Chỉ biết mỗi cán bộ chiến sĩ, mỗi công trình đảo và cỏ, cây hoa lá ở đây quá đỗi thiêng liêng trong trái tim chúng tôi - những người ra Trường Sa bằng tình cảm hậu phương đối với người tiền tuyến.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đảo Trường Sa Lớn |
Sau nghi thức chào cờ Tổ quốc trên đường băng Trường Sa và thăm cột mốc chủ quyền, chúng tôi đến thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - địa chỉ đỏ của nơi hội tụ hàng triệu trái tim người Việt và kiều bào ta ở nước ngoài.
Chúng tôi xếp hàng lặng lẽ với cảm xúc dâng tràn. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp nén hương bày tỏ lòng thành dâng lên Bác, Trưởng đoàn công tác số 4 của Quân chủng Hải quân trịnh trọng, nói: “Kính thưa Bác! Hôm nay, đoàn công tác đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa. Chúng con xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Bác. Chúng con nguyện khắc sâu lời dạy “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày có trời có biển, bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” của Người. Quân và dân huyện đảo sẽ chung tay xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm tình quân dân giữa ngàn khơi Tổ quốc”.
Vọng chuông cầu siêu trong khuôn viên Nhà tưởng niệm |
Nói về Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đảo Trường Sa lớn, Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là công trình văn hóa tâm linh đặc biệt, làm điểm đến của triệu triệu người dân Việt Nam; mà còn khẳng định rằng, chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ở đâu, có Bác Hồ ở đó. Ở đâu có đền thờ, nhà tưởng niệm, tượng đài hay tấm ảnh chân dung Bác, ở đó cũng chính là nơi tụ hợp tình đoàn kết của người dân Việt quanh Bác”.
Đại tá Lê Đình Hải cũng thông tin thêm, Nhà tưởng niệm Bác Hồ là công trình được Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An đóng góp kinh phí xây dựng, trùng tu vào năm 2010 với tổng diện tích gần 800 m2. Nằm uy nghiêm ở vị trí trung tâm của đảo. Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây theo phong cách truyền thống với mái ngói cong có biểu vật trang trí hình con sóng biển cách điệu. Công trình gồm 5 hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà bia, nhà chuông, cổng và hàng rào. Bên trong Nhà tưởng niệm đặt bức tượng toàn thân của Bác bằng đồng nặng gần 1 tấn ở vị trí chính giữa gian chính thất. Nhà tưởng niệm có các tủ trưng bày ảnh, các tư liệu về Bác Hồ với sự nghiệp cách mạng, với lực lượng vũ trang, bộ đội Hải quân và các tầng lớp nhân dân. Trong không gian của Nhà tưởng niệm có đặt 8 tủ kính trưng bày 64 bức hình và lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu và quá trình hoạt động cách mạng của Người. Tại gian trưng bày “Bác Hồ với bộ đội Hải quân” có nhiều hình ảnh quý giá thu hút nhiều người xem và chụp ảnh lưu lại.
Từ khi khánh thành và đi vào hoạt động đến nay, Nhà tưởng niệm đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân đang sinh sống, công tác, lao động trên các vùng biển, đảo. Vào những ngày trọng đại của đất nước hay mỗi dịp lễ, tết, mọi người lại tề tựu về đây để được thắp nén nhang dâng Người.
“Mỗi lần có khách từ đất liền tới thăm và nghe kể về cuộc đời hoạt động của Bác, tình yêu biển đảo lại dâng trong tim cán bộ chiến sĩ và quân dân Trường Sa. Khách từ đất liền ra Trường Sa, đều thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ. và ai cũng có cảm xúc thiêng liêng, tri ân, trân trọng, tưởng nhớ Người qua những câu chuyện kể và hiện vật trưng bày tại Nhà tưởng niệm”- Đại tá Hải, chia sẻ.
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Bắt đầu từ năm 2009, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội, đảo Trường Sa Lớn từng bước được đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh nhiều công trình huấn luyện chiến đấu, nhà ở của bộ đội và người dân được làm mới khang trang, các công trình kiến trúc tâm linh cũng được đầu tư xây dựng. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những công trình văn hóa tâm linh đặc biệt - là điểm đến cội nguồn của quân, dân huyện đảo và khách từ đất liền mỗi lần được vinh dự đến thăm.
Tượng Bác Hồ đặt trang trọng chính giữa trong nhà tưởng niệm với dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” |
Mỗi năm vào dịp sinh nhật Bác 19-5, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mở cửa đón quân, dân Trường Sa và khách đến từ đất liền vào thăm và dâng hương tưởng niệm.
Chiến sĩ - hạ sĩ Nguyễn Văn Duy ở phân đội 1 đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: “18 tuổi tôi ra Trường Sa. 18 tuổi lần đầu tiên đứng trước tượng Bác Hồ ở nơi thiêng liêng đặc biệt, tôi cảm giác lòng mình trong sáng hơn. Tôi sẽ phấn đấu học tập, huấn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là chiến sĩ Hải quân Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió”.
Khách từ đất liền thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Là nghệ sĩ nhiếp ảnh “gạo cội” đến từ thành phố mang tên Bác, lần này đến Trường Sa, ông Hoàng Chí Hùng đem theo bên mình 2 máy ảnh “tầm cỡ” để chụp về đất và người nơi tuyến đầu sóng gió. Đứng trước Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tượng Bác, ông Hùng không khỏi xúc động. Mắt ông nhoè đi khi ngón tay trỏ chạm vào nút bấm để cho ra những khuông hình đặc biệt. “Mỗi một tấm ảnh tôi chụp ở các góc độ khác nhau là mỗi cung bậc cảm xúc. Chụp về Bác là một cảm xúc đặc biệt. Khi cầm máy, lúc chọn góc độ, chẳng hiểu tại sao lòng tôi thanh thoát và trong sáng hơn. Chuyến đi Trường Sa này là một kỷ niệm đặc biệt nhất trong đời làm nghiếp ảnh”- ông Hùng chia sẻ.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là công trình văn hóa tâm linh đặc biệt quốc gia, mà còn khẳng định, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở đâu, sẽ có Bác Hồ ở đó. Đó cũng là công trình tri ân đặc biệt của người dân Nghệ An đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con ưu tú kiệt xuất của Làng Sen xứ Nghệ ở thế kỷ XX và mãi mãi.