Bảo tồn thiên nhiên: Con người là “chìa khóa” của mọi giải pháp
Tài nguyên - Ngày đăng : 10:58, 18/05/2021
Đừng cách ly dân với bảo tồn
Thập kỷ đa dạng sinh học 2011 - 2020 do Liên Hợp Quốc phát động đã kết thúc. Thông điệp của Tổng Thư ký hồi đó, ông Ban Ki-moon là: “nhân loại hãy sống hài hòa hơn với thiên nhiên, duy trì và quản lý sự đa dạng của tự nhiên vì sự phát triển của nhân loại” đã không được thực hiện trọn vẹn. Sự suy thoái của đa dạng sinh học vẫn tiếp diễn. Tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 cho đến nay là hồi chuông thức tỉnh nhận thức và thúc đẩy hành động của con người vì thiên nhiên.
Vẫn lo ngại trước cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học mà toàn cầu đang phải đối mặt, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN nêu dẫn chứng: Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, trong thời gian sắp tới, có khoảng 1 triệu loài sinh vật sẽ mất đi nếu chúng ta không có giải pháp. Đó là thiệt thòi rất lớn đối với vấn đề phát triển kinh tế và môi trường.
Đối với Việt Nam - 1 trong 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, tính chất đa dạng sinh học cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu. Để bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá đầy đủ, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, các văn bản hướng dẫn Luật, các Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học… Song, bên cạnh những chế định về luật pháp, cần chú trọng đến các giải pháp có tính thực tiễn, tác động trực tiếp đến hành vi, cuộc sống của người dân, phù hợp với cộng đồng địa phương để người dân tham gia vào công tác bảo tồn.
Cụ thể, theo GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, hiện nay, Việt Nam có 176 khu rừng đặc dụng, với khoảng 24 - 25 triệu người sống gần nơi có đa dạng sinh học cao. Để thu hút hàng triệu người dân cùng bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thì phải cải thiện sinh kế cho họ. Nếu người dân có thể sống được từ rừng, làm giàu được từ rừng và có quyền được hưởng thụ những lợi ích từ đa dạng sinh học đưa lại cho gia đình, họ sẽ sẵn sàng đứng ra bảo vệ.
“Điều quan trọng nhất là tại các khu bảo tồn thiên nhiên nên thu góp, mời các cán bộ địa phương, những người dân tộc ở đó cùng bảo vệ, đừng tách họ ra khỏi khu bảo tồn, tức là dân với bảo tồn là một, không vì bảo tồn mà cách ly dân thì không bao giờ bảo tồn được. Đến nay, một số Vườn quốc gia đã có bài học là thu hút được một số người phá rừng trở lại bảo vệ rừng. Họ bảo vệ rừng tốt hơn những người khác đến vì họ biết đường đi lối lại, họ là người dân địa phương ở đó. Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng họ và cố gắng lôi kéo họ về” - GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu. Ảnh: MH |
Phải lắng nghe, tôn trọng tri thức của dân
Ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của người dân trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh rất coi trọng giá trị của tri thức bản địa đang tồn tại trong các cộng đồng dân cư. Hiện nay, tuy rằng thông tin của thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 rất quan trọng, nhưng xin chớ quên rằng, kiến thức của người dân được tích lũy từ bao đời cũng vô cùng quý giá.
Theo GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, “người nông dân dù không phải là những người làm khoa học, những người trí thức nhưng rõ ràng, họ là những người có nhiều tri thức. Họ từ những cánh đồng lúa, từ chân lấm tay bùn, có những kiến thức rất tuyệt vời. Họ có những sáng kiến để trồng cây này, nuôi con kia. Đó là điều đáng quý. Để phát huy điều đó, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh. Vì vậy, trong công tác bảo tồn, phải chú ý cả cơ chế chính sách, coi trọng người dân, lắng nghe ý kiến của dân”.
Để khuyến khích người dân tích cực hơn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, GS. Huỳnh đề xuất, cần cơ chế để giúp người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, mạnh dạn giao đất, giao rừng. Việc giao đất, giao rừng cần thời hạn lâu hơn để người dân được đảm bảo quyền lợi.
Chỉ rõ vấn đề chế độ khuyến nông, khuyến lâm dù có nhưng chưa cụ thể, đôi khi còn chưa đi sát được người dân, chưa đi sát đến từng vùng đất; bởi hệ sinh thái của mỗi vùng đất, mỗi vùng nước hoàn toàn khác nhau thì cây trồng, vật nuôi phải phù hợp; GS Đặng Huy Huỳnh đưa ra giải pháp: “Vậy phải lắng nghe ý kiến của người dân, từ chuyện quy hoạch đến giám sát. Chính điều đó giúp họ thấy được rằng, việc bảo vệ tài nguyên này, bảo vệ cây này, đất này, chính là bảo vệ cho dòng họ, cho con cháu họ, họ sẽ tự tham gia. Điều này vừa có lợi cho kinh tế, vừa có lợi cho bảo vệ môi trường của chúng ta hiện nay và trong lương lai”.