Lai Châu: Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 10:57, 18/05/2021

(TN&MT) - Qua thanh tra, các cơ quan chức năng tỉnh đã kịp thời phát hiện những sai phạm và xử lý đúng hành vi, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, áp dụng đúng hình thức và đảm bảo về trình tự, thủ tục.

Kết quả trong giai đoạn từ ngày 1/7/2014 đến nay, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu tiếp nhận và giải quyết nhiều đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai, cụ thể:

Vi phạm về đất đai có 21 vụ việc, đã giải quyết 21/21 vụ việc, đạt 100%, trong đó thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư 4 vụ việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 17 vụ việc. Khiếu nại về đất đai có 37 vụ việc về đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã giải quyết 37/37 vụ việc, đạt 100%.

Tố cáo về đất đai 3 vụ việc về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã giải quyết 3/3 vụ việc, đạt 100%. Tòa án nhân dân có 36 vụ việc về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã giải quyết 36/36 vụ việc, đạt 100%.

Chủ tịch UBND huyện, thành phố có 86 vụ việc, trong đó thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư 36 vụ việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 47 vụ việc. Kết quả đã giải quyết 3 vụ việc với diện tích 13.388,9 ha, đang trong quá trình giải quyết 83 vụ việc với diện tích 917,7 ha.

Một góc TP. Lai Châu

Trước các vi phạm xử lý ở mức phạt hành chính, cơ quan quản lý có thẩm quyền đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đề xuất các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý về đất đai; tuyên truyền pháp luật về đất đai, giúp cho người sử dụng đất, tổ chức, doanh nghiệp và mọi cá nhân hiểu rõ hơn các quy định mới của pháp luật; đưa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đi vào nền nếp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế đặt ra vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về đất đai; biên chế cán bộ làm công tác thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu, do đó việc thực hiện nhiệm vụ vẫn đang gặp những khó khăn nhất định về nhân lực và thời gian.

Một số địa bàn huyện, thành phố còn tiềm ẩn có nguy cơ phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật về đất đai.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phát sinh, UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, do nguồn gốc sử dụng đất phức tạp từ lịch sử để lại; công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng qua các thời kỳ, các loại biên bản xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng được triển khai khi thiết kế chưa hoàn chỉnh, phải điều chỉnh vị trí mốc nhiều lần nhưng không thông báo kịp thời; nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật đất đai, về trích đo địa chính, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn hạn chế.

Đặc biệt, ở một số địa phương, công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại hiệu quả chưa cao, chưa tập trung trọng tâm, trọng điểm. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm, thiếu quan tâm giải quyết từ cơ sở, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ không đầy đủ, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, người dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo…

Ngoài ra, trong một số trường hợp, còn có phần tử lợi dụng, kích động những người đi khiếu nại, tố cáo; tổ chức lôi kéo khiếu kiện đông người, biến các vụ việc khiếu nại thuần túy trở thành vấn đề chính trị - xã hội, dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua có những diễn biến phức tạp.

Trường Giang