Chúng ta liệu đã an toàn?
Xã hội - Ngày đăng : 10:57, 18/05/2021
Với tiềm lực kinh tế nói chung, tiềm lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh nói riêng còn nhiều hạn chế, việc Việt Nam đã và đang có những nỗ lực trong việc hạn chế những thiệt hại của thiên tai được lý giải chính là nhờ sức mạnh của cộng đồng đã được phát huy tối đa. Nếu những chủ trương, chính sách của Nhà nước là điều kiện cần, thì sự hợp tác của người dân là điều kiện đủ để công cuộc chống thiên tai và dịch bệnh thu được thắng lợi.
Thiên tai, dịch bệnh trở thành phép thử về sức mạnh của tính cộng đồng của người Việt. Nhưng làm sao để đặc tính này trở nên bền vững, chứ không phải chờ đến khi đất nước gặp gian nguy.
Rừng tràm Trà Sư |
Người ta sẵn sàng biện hộ cho việc khai thác khoáng sản vô tội vạ gây lũ quét, sạt lở là do biến đổi khí hậu. Thi công cầu đường bị lún sụt, biến dạng, hư hỏng cũng tại hiện tượng nóng lên toàn cầu?! Hay san lấp các vùng trũng, thiếu giám sát để người dân đổ rác bừa bãi gây ngập úng cũng “cắt nghĩa” là do mưa bất thường, triều cường dâng cao.Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và biến đổi khí hậu - câu chuyện đã được dự báo, ngày nay và mai sau chúng ta không thể không đối mặt. Song, theo cách này hay cách khác, người ta cho rằng biến đổi khí hậu là “kẻ có tội” hoàn hảo để che đậy những yếu kém trong quản lý hay thiết kế và quy hoạch vốn đã có thể giảm thiểu hoặc tránh những thiệt hại đó.
Và nhiều dòng sông bị bức tử từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt bị chặn lại bởi các con đập cao hay những hồ chứa khổng lồ khiến dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn nghiêm trọng, nước mặn xâm lấn sâu hơn vào đất liền… được cho là hậu quả của “biến đổi khí hậu và nước biển dâng”?!
Chưa kể, nhiều dự án khủng, cần chi hàng ngàn tỷ để xây dựng cũng lấy lý do chống khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, lấy ElNino làm dẫn chứng. Thậm chí, họ đòi làm những dãy công trình đê biển tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để chống nước biển dâng ở cuối thế kỷ hay để phòng ngừa... siêu bão và sóng thần.
Cần phải hiểu rằng, biến đổi khí hậu là một hiện tượng thiên nhiên đáng quan tâm và cần ứng phó, nhưng chắc chắn nó không phải là “thùng rác” để chứa những sai sót, sai lầm của ai đó đổ vào!
Chúng ta đang quên mất rằng, con người cũng chỉ là một thành phần trong hệ sinh thái tự nhiên rộng lớn. Nếu vẫn tiếp tục áp đặt những tư duy hạn hẹp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế bằng mọi giá, chúng ta sẽ còn phải trả giá.
Vũ trụ - tự nhiên luôn có sự cân bằng hoàn hảo. Bất cứ ai phá vỡ sự cân bằng đó đều phải chịu hậu quả nặng nề. Những cường quốc số một thế giới, nhà băng đầy tiền, vũ khí đầy kho, khoa học phát triển như vũ bão, vẫn đang lấm lưng, trắng bụng toàn diện trước đối thủ không thấy bằng mắt thường mang tên Virus.
Trước những làn sóng đại dịch Covid-19, thêm một lần nữa chứng minh rất rõ: Mọi toan tính ích kỷ và vô cảm, vun vén cho riêng mình, hay một nhóm lợi ích nào đó, dù có khôn ranh đến mấy, cũng không thoát khỏi sự giáng trả của thế thời. Những khó khăn chất chồng hôm nay nhân loại đang phải đối diện, phải gánh chịu là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của tự nhiên khi vượt quá “lằn ranh giới hạn”.
Cách phòng, chống thiên tai tốt nhất chính là nhận thức và ý thức của mỗi chúng ta. Không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển, vì đó là phát triển không bền vững.
Nhận thức này phải được quán triệt từ khâu hoạch định chính sách, pháp luật đến các biện pháp bảo đảm thực thi trong thực tế. Phải tạo ra một ý thức xã hội là bảo vệ môi sinh, gìn giữ môi trường sống, gìn giữ và phục hồi màu xanh của rừng, sự trong lành của các dòng sông, của bầu khí quyển… Có như thế thiên nhiên mới giảm bớt những cơn giận dữ, mang lại sự bình yên cho con người.