Bốn tháng đầu năm, chi ngân sách đạt trên 460 nghìn tỷ đồng
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 16:34, 17/05/2021
Chi thường xuyên 4 tháng đầu năm đạt 338,1 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán. Ảnh minh họa |
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 86.000 tỷ đồng, bằng 18% dự toán Quốc hội giao, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, bằng 35,3% dự toán; chi thường xuyên đạt 338,1 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán.
Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, tình hình chi NSNN 4 tháng đầu năm cũng đạt khá. Tại Hà Nội, tổng chi ngân sách địa phương đạt 17.610 tỷ đồng, đạt 16,2% dự toán, bằng 92,3% so với 4 tháng đầu năm 2020 (cùng kỳ là 110,8%); trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.848 tỷ đồng, đạt 9,5% dự toán, bằng 78,3% so với cùng kỳ; chi thường xuyên là 12.750 tỷ đồng, đạt 26,9% dự toán và bằng 99% so với cùng kỳ.
Còn tại TP.HCM, thông tin từ UBND thành phố cho biết, tổng chi ngân sách địa phương 4 tháng đầu năm ước đạt 19.165,9 tỷ đồng, đạt 19,76% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.811 tỷ đồng, đạt 15,18% dự toán HĐND TP thông qua (dự toán là 38.289,1 tỷ đồng); chi thường xuyên 11.591,8 tỷ đồng, đạt 24,19% dự toán (dự toán là 47.925 tỷ đồng).
Bộ Tài chính nhận định, các nhiệm vụ chi ngân sách 4 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội.
Cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng (kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp,...), đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Mặt khác, Bộ Tài chính cho biết thêm, ngân sách trung ương đã trích dự phòng gần 3.000 tỷ đồng, trong đó, bổ sung 1.740 tỷ đồng kinh phí cho Bộ Y tế sử dụng mua vắc xin là 1.237 tỷ đồng và mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 503 tỷ đồng; hỗ trợ 314 tỷ đồng cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch Covid-19.