TP.HCM: Kỳ vọng Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên

Môi trường - Ngày đăng : 18:13, 15/05/2021

(TN&MT) – Trước thông tin TP.HCM sẽ triển khai và hoàn thành cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên trong giai đoạn 2021 -2025, người dân sinh sống xung quanh khu vực tuyến kênh này không khỏi vui mừng và kỳ vọng dự án sẽ được triển khai, hoàn thành đúng như kế hoạch.

Một đoạn kênh Tham Lương qua địa bàn quận Bình Tân có nước đen kịt và ngập rác thải luôn bốc mùi hôi thối

Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,7 km, đi qua 7 quận, huyện (12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và Bình Chánh). Cũng như nhiều tuyến kênh rạch khác trên địa bàn thành phố khi chưa được cải tạo, tuyến kênh này có nhiều đoạn bị ô nhiễm nghiêm trọng, rác thải và cỏ dại phủ kín, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và việc lưu thông bằng đường thủy.

Vì vậy, từ năm 2004, TP.HCM đã khởi động triển khai dự án cải tạo tuyến kênh này. Sau đó, Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được xác định là một trong những hạng mục thuộc dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, đến năm 2017, WB ngưng tài trợ vốn khiến dự án bị ngừng trệ và TP.HCM phải tìm nguồn vốn thay thế.

Dù đã có biểm cấm nhưng nhiều người dân vẫn vứt rác ra kênh Tham Lương

Đến ngày 22/4/2021, tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2016 -2021, HĐND TP.HCM đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng (gồm 4.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và 4.200 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM); thời gian thực hiện dự án từ 2021-2025.

Đón nhận thông tin này, hàng ngàn người dân sinh sống dọc tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên không khỏi vui mừng vì cuối cùng dự án sau gần 20 năm chờ đợi đã có “hướng ra”, đặc biệt là đã ấn định được thời gian hoàn thành công trình.

Bà Nguyễn Thị Hoa, đường Nguyễn Văn Quá ( phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cho biết: “Trước những năm 2000, kênh Tham Lương rất trong xanh, sạch sẽ, người dân vẫn thường xuyên ra lấy nước để sử dụng cho tưới cây, rửa xe. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài năm dòng kênh bắt đầu chuyển sang màu đen, càng ngày càng đen và bốc mùi hôi thối. Những ngày nắng to hay đổ mưa, mùi hôi bốc lên càng nhiều, rất khó chịu. Vì vậy, khi được biết thành phố sẽ cải tạo tuyến kênh này khiến tôi rất vui và mong dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch”.

Một đoạn kênh Tham Lương bị cỏ dại vùi lấp hoàn toàn

Tại khu phố 9, phường Binh Hưng Hòa, (quận Bình Tân), nhiều đoạn kênh Tham Lương đã bị “vùi lấp” bởi cỏ dại và nhiều loại rác thải, đồ dùng cồng kềnh của người dân vứt ra. “Nhiều người dân mới đến đây sinh sống không nghĩ nó là dòng kênh nên cứ vô tư vứt rác sinh hoạt ra đó, gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi rất mong thành phố triển khai cải tạo tuyến kênh đúng kế hoạch để sớm thay đổi bộ mặt khu dân cư này. Rất mong sau khi cải tạo, 2 bên bờ kênh Tham Lương sẽ đẹp như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bây giờ” – ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân sinh sống tại khu vực này mong muốn.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (đơn vị được UBND TP.HCM giao quản lý dự án), Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên gồm nhiều hạng mục, bao gồm: xây bờ kè dài hơn 32,7 km bằng bê tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới sửa chữa các các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên; xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến kênh; làm đường và công trình hạ tầng dọc theo chiều dài 2 bờ kênh…

Người dân kỳ vọng sau khi hoàn thành cải tạo kênh Tham Lương - Bến cát - rạch Nước Lên sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị

Theo đánh giá của Hội đồng Thẩm định TP.HCM, đây là dự án mang tính dân sinh cao, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân và làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong tương lai. Theo đó, Dự án có nhiệm vụ thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện (12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh); hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối giữa TP.HCM đi các tỉnh miền Tây qua cửa ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai (không đi xuyên qua trung tâm thành phố) nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hoá.

Đặc biệt, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.

Nguyễn Quỳnh