Làm rõ mục tiêu nâng cấp trữ lượng mỏ sắt Nà Lũng

Khoáng sản - Ngày đăng : 22:32, 14/05/2021

(TN&MT) - Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia mới thông qua có sửa chữa Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ sắt Nà Lũng, phường Duyệt Trung, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng của Chi nhánh Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc – TKV – Xí nghiệp Địa chất 109.

Khai thác quặng sắt tại mỏ Nà Lũng, Cao Bằng. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Mỏ sắt Nà Lũng Cao Bằng có diện tích cấp phép 39,82ha được khai thác từ năm 1994 đến năm 2015, trên cơ sở báo cáo thăm dò năm 1963 của Đoàn địa chất 38. Báo cáo chuyển đổi năm 2009. Hiện nay, khu mỏ đã được khai thác hết phần quặng sa khoáng và đã khai thác vào một phần lớn quặng gốc. Kết quả khai thác cho thấy, phần quặng gốc có sự sai lệch so với báo cáo thăm dò năm 1963, nhất là về chiều dày thân quặng. Để có cơ sở cho việc thiết kế mở rộng và nâng cao công suất khai thác, Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Địa chất 109 năm 2015 thi công đề án và lập báo cáo kết quả thăm dò.

Thăm dò đánh giá tổng thể lại khu mỏ làm cơ sở khai thác trữ lượng

Ông Nguyễn Ngọc Thơm – Chủ biên báo cáo thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc – TKV – Xí nghiệp Địa chất 109, đơn vị tư vấn cho biết: Mỏ sắt Nà Lũng được Đoàn Địa chất 20, Liên đoàn Bản đồ Địa chất phát hiện trong công tác khảo sát, đo vẽ thành lập bản đồ địa chất miền Bắc tỷ lệ 1:500.000 vào đầu năm 1961. Từ năm 1961 – 1963, Đoàn Địa chất 38 đã tiến hành thi công và thành lập Báo cáo “Tổng kết công tác thăm dò, tìm kiếm địa chất, địa vật lý về kim loại sắt ở Cao Bằng”, đã được Tổng cục Địa chất phê duyệt (năm 1965). Kết quả đã tính được 9.986.984 tấn quặng, trong đó: quặng sa khoáng eluvi-deluvi, cấp C1 là 976.382 tấn; quặng gốc: cấp C1 là 6.597.401 tấn; cấp C2 là 2.413.201 tấn.

Công tác thăm dò bổ sung được tiến hành trong năm 2007 do Công ty Thăm dò và Khai thác Khoáng sản 109 thi công. Báo cáo tính và chuyển đổi cấp trữ lượng và cấp tài nguyên quặng sắt năm 2010 là 3.578.981 tấn.

Với kết quả thăm dò, khai thác từ khi cấp mỏ đến thời điểm hiện tại có thể thấy thân quặng gốc mỏ sắt có nhiều biến động giảm mạnh so với tài liệu địa chất về quy mô và hàm lượng từng thân quặng. Qua thăm dò bổ sung nâng cấp trữ lượng đợt này cũng đã đánh giá mở rộng thêm tuyến để xác định mức độ tồn tại của thân quặng I và IA. Tuy vậy, 2 thân quặng đã gần như kết thúc tại tuyến T.11A, chiều dày và hàm lượng đều không đạt để đưa vào khoanh nối.

“Tính tới thời điểm này, có thể khẳng định triển vọng quặng sắt tại mỏ sắt Nà Lũng không còn khả năng tồn tại sâu hơn và rộng hơn so với tài liệu “báo cáo thăm dò sơ bộ năm 1965”. Các thân quặng theo chiều sâu có xu hướng giảm chiều dày và hàm lượng. Vì vậy, mục tiêu đặt ra cần thăm dò đánh giá tổng thể lại khu mỏ để có cơ sở chắc chắn về trữ lượng để huy động vào khai thác”, ông Nguyễn Ngọc Thơm khẳng định.

Trữ lượng cấp 121+122 thấp hơn nhiều mục tiêu đề án đề ra

Theo chủ biên Nguyễn Ngọc Thơm, kết quả thăm dò tính đến thời điểm này cho thấy trữ lượng cấp 121+122 đạt 195.887 tấn kim loại sắt, thấp hơn mục tiêu đề án đề ra là trữ lượng cấp 121+122 là 1.164.169 tấn kim loại sắt. Trữ lượng, tài nguyên của toàn khu mỏ tính đến hết tháng 12/2016 là 676.898 tấn quặng tương ứng với 341.323 tấn kim loại sắt.

Góp ý cho báo cáo, ông Nguyễn Trường Giang – Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, báo cáo đã tổng hợp đầy đủ tài liệu trong quá trình thăm dò nâng cấp, đã đánh giá và nâng cấp một phần các khối tài nguyên cấp 333 thành trữ lượng cấp 122 để làm cơ sở cho việc huy động khai thác theo quy định.

Ông Nguyễn Trường Giang thống nhất với trữ lượng quặng sắt cấp 122 đã tính trong báo cáo và yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giải trình rõ kết quả thăm dò nâng cấp với mục tiêu của đề án.

Theo ông Bùi Tất Hợp – Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, báo cáo cần đánh giá rõ thêm nguyên nhân không đạt mục tiêu trữ lượng đề ra, khả năng nâng cấp tiếp các khối 333 hiện tại để làm cơ sở đầu tư khai thác. Ngoài ra, cần bổ sung số liệu khai thác, trữ lượng còn lại của giấy phép khai thác đã cấp.

Mai Đan