Ngành năng lượng tái tạo tăng trưởng vượt bậc vào năm 2020
Thế giới - Ngày đăng : 15:11, 13/05/2021
Các tuabin gió ở ngoại ô làng Klein Buenzow, phía Đông Bắc nước Đức. Ảnh: AFP |
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kể từ năm 1999, ngành năng lượng tái tạo đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất vào năm 2020 và có thể sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho sự tăng trưởng trong tương lai, bất chấp sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra.
IEA cho rằng nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này là do nhu cầu sử dụng năng lượng sạch ngày càng tăng của các quốc gia và tập đoàn. Điều đó đã làm công suất điện gió tăng gấp đôi vào năm 2020, trong khi điện mặt trời tăng gần 50% so với mức tăng trưởng trước đại dịch.
Cơ quan này dự báo, sự bùng nổ năng lượng sạch có thể khiến năng lượng tái tạo tăng 25% so với ước tính tăng trưởng trước đó, do tốc độ mở rộng thị trường năng lượng tái tạo nhanh hơn so với dự kiến ở Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol cho biết chính phủ các nước cần “tạo động lực đầy hứa hẹn” bằng cách đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các dự án năng lượng mặt trời và gió. Đồng thời, cần chú trọng hơn vào các hệ thống hạ tầng lưới điện trong các lĩnh vực tái tạo quan trọng khác như thủy điện, năng lượng địa nhiệt và nhiên liệu sinh học.
Theo nhà phân tích Chính sách và Thị trường Năng lượng Tái tạo, ông Heymi Bahar, các mức đấu giá kỷ lục của chính phủ cho các dự án năng lượng tái tạo mới, kết hợp với việc ngày càng nhiều công ty tìm cách chuyển sang phương thức sản xuất thân thiện với môi trường hơn đã tạo ra "sự gia tăng đặc biệt” đối với ngành ngành năng lượng tái tạo hiện nay.
Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu sự tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo, khi nước này chiếm hơn 40% mức tăng trưởng toàn cầu trên thị trường trong vài năm qua. Cụ thể, Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp lớn nhất đối với các nguyên liệu thô cần thiết để chế tạo tuabin gió và các tấm pin mặt trời bao gồm silicon, thủy tinh, thép, đồng và các nguyên liệu đất hiếm khác.
Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cam kết rằng Trung Quốc sẽ đạt được mức độ trung hoà carbon vào năm 2060. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nước này sẽ cần phải đóng cửa gần 600 nhà máy nhiệt điện than trong 10 năm tới mới có thể đáp ứng mục tiêu này.
IEA cho rằng nhu cầu sản xuất năng lượng sạch vẫn đang bùng nổ trên khắp Châu Âu và Mỹ. Khi các nước phát triển đang hành động nhiều hơn để giữ cho mức tăng trưởng hàng năm của ngành công nghiệp toàn cầu gần với mức của năm 2020.
Theo dự báo, tại Vương quốc Anh, sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 1/4 công suất gió của thế giới vào năm 2022. Điều này khiến quốc gia này trở thành nước duy nhất trên thế giới có nhiều năng lượng gió được tạo ra ở ngoài khơi hơn so với trên đất liền.