Hiểu hơn để khai thác bền vững hơn

Biển đảo - Ngày đăng : 10:02, 13/05/2021

(TN&MT) - Kết quả Dự án “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản biển Việt Nam; quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển phục vụ phát triển bền vững” đã mang lại những kết quả quan trọng. Lần đầu tiên nguồn lợi sinh vật biển, thủy hải sản được tổng kết, thống kê khá đầy đủ một cách chuyên sâu ở khu vực gần 200 m nước trở vào.

Đây chính là bộ dữ liệu tổng thể, đầy đủ, tin cậy để chúng ta khai thác, bảo tồn, phục hồi, tái tạo nguồn lợi sinh vật một cách hiệu quả, bền vững.

Hệ thống được nguồn lợi thủy sản từng khu vực

Công tác điều tra đa dạng sinh học nguồn lợi thủy hải sản ở biển Việt Nam đã được tiến hành khá sớm, từ những năm đầu thế kỷ 20. Cụ thể, trước năm 2006, kết quả đã điều tra được chừng 12.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, đặc biệt có mặt các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trong tổng số loài được phát hiện, có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.435 loài cá với trên 100 loài có giá trị kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển; 14 loài cò biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển và 43 loài chim nước cùng 5 loài rùa biển. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính chất thống kê loài mà chưa xác định được trữ lượng và khả năng khai thác trên các vùng biển nhất định.

Chính vì vậy, theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong Đề án 47 giai đoạn đầu đã đề xuất 3 dự án có nội dung điều tra liên quan đến đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, chỉ có Dự án “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản vùng biển Việt Nam; quy hoạch và xây dựng hệ thống bảo tồn biển phục vụ phát triển bền vững” là tập trung chuyên sâu, đầy đủ nhất về điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Dự án đã được chia thành 23 tiểu dự án để điều tra nghiên cứu, bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2009, đến nay vẫn chưa kết thúc song đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, với phạm vi điều tra từ 183 m nước trở vào, nguồn lợi hải sản tầng đáy vùng biển Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015 đã thống kê được 1.081 loài thuộc 518 giống nằm trong 221 họ. Như vậy, tổng số loài bắt gặp trong chuyến điều tra ở năm 2016 chỉ chiếm khoảng 54,9% và số họ chiếm 60,1% so với số lượng họ, loài hải sản đã được thống kê. Với diện tích vùng điều tra là 403.175 km2, các nhà khoa học đã đánh giá được tổng trữ lượng tức thời của nhóm nguồn lợi đánh bắt được bằng lưới kéo đáy là trên dưới 546.052 tấn.

Cũng theo kết quả điều tra, vùng biển Tây Nam Bộ là khu vực có mật độ phân bổ nguồn lợi thủy hải sản cao nhất, trung bình 1.6 tấn/km2 và vùng biển Đông Nam Bộ là nới có mật độ phân bố trung bình thấp nhất, chỉ đạt 1,18 tấn/km2. Tuy nhiên, với diện tích vùng biển rộng lớn nên Đông Nam Bộ vẫn là khu vực có trữ lượng nguồn lợi đánh bắt được bằng lưới kéo đáy cao nhất, khoảng trên dưới 21.454 tấn, chiếm 39,6% trong tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản tầng đáy trên toàn vùng biển. Trữ lượng nguồn lợi hải sản đáy tức thời ở vùng biển Tây Nam Bộ cũng được ước khoảng trên dưới 159,2 ngàn tấn, chiếm 29,2% tổng trữ lượng. Ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trữ lượng nguồn lợi tức thời khoảng trên dưới 98,8 ngàn tấn, chiếm 18,1% tổng trữ lượng hải sản đánh được bằng lưới kéo đáy ở biển Việt Nam.

Điều tra cơ bản nguồn lợi sinh vật biển tại Dự án này còn xác định được biến động nguồn lợi thủy hải sản theo năm và theo mùa. Nếu như năm 2013, ở vùng biển Đông Nam Bộ, trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng đáy là 274 ngàn tấn thì năm 2016 đã giảm đáng kể khoảng 21,14%.

Song kết quả điều tra ở vùng biển Tây Nam Bộ, biến động nguồn lợi thủy sản lại xảy ra theo chiều ngược lại. So với kết quả điều tra các năm 2013 - 2015 thì trữ lượng tức thời năm 2016 tăng gấp đôi, ước tính 159 ngàn tấn.

Trong thời điểm gió mùa Tây Nam, trữ lượng các nhóm cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 2,45 triệu tấn, gồm 181 ngàn tấn cá cơm; 500 ngàn tấn cá khế, 700 ngàn tấn cá trích; 165 ngàn tấn cá bạc má, ba thú; 305 ngàn tấn cá nục; 444 ngàn tấn cá ngân, cá tráo; 73 ngàn tấn cá hố và 81 ngàn tấn cá nổi khác. Trữ lượng cá nổi nhỏ ở các vùng biển tương ứng và vịnh Bắc Bộ là 547 ngàn tấn, chiếm 22,3%; vùng biển miền Trung 690 ngàn tấn, chiếm 28,2%, vùng biển Đông Nam Bộ 782 ngàn tấn, chiếm 31,9%, vùng biển Tây Nam Bộ 430 ngàn tấn chiếm 17,6%.

Kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 2016 đến nay cũng đã xác định được 18 khu vực bãi đẻ, bãi giống tự nhiên chính của các loài hải sản. Đây là khu vực tiềm năng để khoanh vùng thành lập khu vực bảo vệ nguồn giống thủy sản của vùng biển Việt Nam.

 

Lập bản đồ phân bố nguồn lợi thủy sản

Thông qua kết quả điều tra cơ bản về loài và nguồn lợi thủy hải sản cụ thể trên từng vùng biển Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đã xây dựng được bộ bản đồ về phân bố nguồn lợi hải sản tầng đáy ở biển Việt Nam tỷ lệ 1/500.000. Đồng thời cũng đưa ra được bản đồ phân bố nguồn lợi cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam tỷ lệ 1/500.000.

Ngoài ra còn xây dựng các bản đồ có tính chuyên sâu hơn như: Bản đồ phân bố nguồn lợi động vật đáy; bản đồ phân bố trứng cá con mặt rộng; bản đồ phân bố ấu trùng tôm con mặt rộng; bản đồ phân bố ấu trùng tôm con vùng tập trung tỷ lệ 1/50.000; xây dựng bản đồ về hiện trạng phân bố hệ sinh thái rừng ngập mặn, đầm phá ven biển tỷ lệ 1/500.00; Bản đồ phân bố cỏ biển Việt Nam tỷ lệ 1:2.000.000, phân bố cỏ biển cho các tiểu vùng với tỷ lệ 1/500.000; Phân bố cỏ biển tại các vùng biển khảo sát trọng điểm, tỷ lệ 1/50.000; Phân bố nguồn lợi hải sản tầng đáy ở biển Việt Nam tỷ lệ 1/500.000.

Mặt khác cũng đã sơ bộ đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học về hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi bồi, cửa sông, đầm phá. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã phát hiện và bổ sung vào danh mục một số loài san hô mới, đánh giá được hiện trạng và bao phủ rạn san hô, rừng ngập mặn trên vùng biển Việt Nam với độ sâu 50 m nước và vùng biển dưới 200 m nước trở lại bờ.

Từ những kết quả điều tra được, đã lập quy hoạch chi tiết 7 khu bảo tồn biển gồm Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Hải Vân - Sơn Chà, Hòn Cau, Tiên Yên - Hà Cối, Lý Sơn và Hòn Mê để thực hiện việc quản lý và khai thác cũng như bảo tồn nguồn lợi sinh vật biển trên những khu vực này.

Kim Liên