Đường đê hữu Hồng gãy nứt: Đã tìm ra “thủ phạm” nhưng chưa rõ thời hạn khắc phục

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:16, 12/05/2021

(TN&MT) - Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường đăng bài “Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm khi đường đê hữu Hồng gãy nứt?”, Tp. Hà Nội đã xác định được “thủ phạm” gây ra là do Công ty CP nước mặt sông Hồng đang triển khai thi công hạng mục ép cọc cừ móng Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng.

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, Tuyến đê hữu Hồng, vị trí K46+160 đang bị gãy nứt dọc đường hành lang thượng lưu và gãy dọc mặt đê với chiều dài khoảng 15 - 25m. Đây là gói thầu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 (Ban 1) làm chủ đầu tư Dự án nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và K40+350 đến K47+980, thuộc địa bàn huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội.

Trong đó, gói thầu số 11 được liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập và Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội thi công. Đoạn gãy nứt K46+160 thuộc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội thi công.

Sự cố đặc biệt nghiệm trọng xảy ra tại đê hữu Hồng, huyện Đan Phượng, các phương tiện được phân luồng và thông báo hạn chế đi vào nhưng không biết tới bao giờ mới được sửa chữa

Trước sự việc trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Tạ Đăng Tiến, Phó Trưởng phòng Kinh Tế huyện Đan Phượng cho biết: Sau khi phát hiện sự cố, về trách nhiệm quản lý nhà nước, UBND huyện đã làm báo cáo gửi UBND Tp. Hà Nội. Đồng thời huyện đã làm việc với UBND xã Liên Hà và chỉ đạo lập chốt canh gác để hạn chế xe qua lại, cử người trông coi và đặt biển cảnh báo.

Tại Báo cáo nhanh số 01/BC-BCH ngày 4/5/2021 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN huyện Đan Phượng cho thấy, sự cố nứt dọc mặt đê và mặt hành lang thượng đê hữu Hồng tại vị trí K46+160, nguyên nhân được xác định do Công ty CP nước mặt Sông Hồng đang triển khai thi công hạng mục ép cọc cừ móng trạm bơm nước thô. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời có nguy cơ sạt trượt toàn bộ mái cơ đê phía thượng lưu, ảnh hưởng đến an toàn tuyến đê cấp 1 và dân sinh trong khu vực.

Toàn bộ tuyến đường gom đê hữu Hồng được đổ bê tông, chịu tải 6 tấn nhưng đã bị gãy nứt nghiêm trọng

Cũng tại báo cáo, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN huyện Đan Phượng đã yêu cầu Công ty CP nước mặt Sông Hồng dừng thi công trong phạm vi sự cố, khẩn trương kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân và khắc phục sự cố đảm bảo an toàn đê điều. Chỉ được phép thi công lại khi đã khắc phục xong sự cố và có ý kiến bằng văn bản của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Ngày 11/5/2021, phóng viên tiếp tục đi thực tế tại công trình Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng. Tại đây, phóng viên đã chứng kiến tận mắt đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Thủy Lợi Hưng Yên vẫn ngang nhiên cho máy xúc đào đất để ốp vào phía chân đê (vị trí bị gãy nứt nghiêm trọng).

Được biết, năm 2019 khi đang thi công gói thầu số 11, liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập và Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đã dùng vật liệu san lấp không đảm bảo theo thiết kế, bị người dân “bóc phốt”. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây gãy nứt tuyến đê hữu Hồng?

Ông Phạm Hoa Cương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP nước mặt Sông Hồng cho biết: Đó là máy xúc làm nhiệm vụ tạo mặt trượt taluy cho thân đê. Còn việc có kè bê tông hay không chúng tôi phải đợi đơn vị thiết kế Dự án và cơ quan chức năng kết luận, nếu cần thiết thì sẽ làm.

Trả lời về trách nhiệm của Công ty khi để xảy ra sự cố nghiêm trọng trên, ông Cương cho rằng: Trước mắt lỗi do quá trình thi công của Dự án gây ra, nhưng để đúng sai thì phải đợi cơ quan chức năng đánh giá, sau đó chúng tôi sẽ làm phần trách nhiệm của mình.

Có lệnh cấm thi công nhưng đơn vị thi công vẫn cho máy xúc làm nhiệm vụ tạo mặt trượt taluy cho thân đê

Được biết, sau khi để xảy ra sự cố, Công ty CP nước mặt Sông Hồng đã chỉ đạo đơn vị thi công Dự án nhà máy nước cho thảm nhựa đường vào các vết nứt gãy, căng dây sơ sài và cắm biển báo cho các xe cơ giới hạn chế qua lại.

Đại diện Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội cho biết: Việc bảo hành mà bong, chóc hoặc có tác động gì đến, ví dụ như đang đi bình thường bị bong, chóc thì trách nhiệm bảo hành của chúng tôi. Tuy nhiên, cái này do tác động của công trình khác đang thi công cạnh đó, chứ không phải lỗi do của chúng tôi thi công.

Được xác định là sự cố đặc biệt nghiệm trọng, nhưng đến nay phương án kỹ thuật để khắc phục, đơn vị nào phải bỏ tiền ra làm lại đường, hay dùng tiền ngân sách… thì Tp. Hà Nội vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng?!

Sau đó phóng viên liên hệ đến ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Phòng, Chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội), đơn vị được bàn giao quản lý tuyến đê hữu Hồng, ông Mẫn không trả lời và tìm cách né tránh báo chí.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Xuân - Quán Dũng