Điểm bất cập trong việc khai thác, sử dụng bản đồ địa chính ở TP. Điện Biên Phủ
Đất đai - Ngày đăng : 10:31, 12/05/2021
Ảnh minh họa |
Lý giải điều này, bà Trần Thị Vân, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Do nguyện vọng của người dân tách thửa nên phải trích đo; do không liên lạc được hộ gia đình, hộ giáp gianh không ký; có nhiều khu chồng lấn vào đất rừng và bản đồ địa chính chính quy năm 2010 chưa hẳn đã là chính xác.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên thì bản đồ địa chính chính quy năm 2010 của TP. Điện Biên Phủ tại thời điểm thời điểm đó khá hoàn chỉnh về loại đất và chủ sở hữu đất. Và là công cụ giúp Nhà nước thực thi các nhiệm vụ, công việc có liên quan đến đất đai như: giải quyết tranh chấp, quy hoạch đất đai, đền bù… Lập hồ sơ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất; làm cơ sở để lập hồ sơ cấp “sổ đỏ” cho cá nhân, tập thể và lập hồ sơ xin phép xây dựng nhà ở dân dụng hoặc công trình dân sinh khác. Đồng thời, cung cấp thông tin về đất đai và cơ sở pháp lý cho việc thừa kế, chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp, kinh doanh bất động sản.
Đến nay, bản đồ đó còn giữ được giá trị hay không phụ thuộc vào đơn vị sử dụng và khai thác. Nếu số liệu đất đai biến động hàng năm mà không được chỉnh lý, cập nhật, bổ sung thường xuyên và liên tục thì bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu số sẽ trở nên lạc hậu.
Trong khi đó, đất ở của các hộ dân tại 8 phường của TP. Điện Biên Phủ biến động không lớn và các dự án cũng không nhiều, mật độ dân số cũng không quá đông đúc như các thành phố lớn; khu đô thị hiện hữu quỹ đất ổn định, những khu dân cư ở từ rất lâu, gianh giới ổn định... Vậy tại sao việc cấp “sổ đỏ” cho dân lại phải tiến hành trích đo, điều này làm mất thời gian, tiền bạc của dân và cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cũng không có thời gian để làm công việc chuyên môn khác.
Có thể hiểu, khi nhận hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của dân thì cơ quan đo đạc phải dùng tài liệu hiện có xuống kiểm tra thực địa, nếu không có biến động lớn thì làm trích lục cho người dân. Còn việc trích đo chỉ thực hiện khi các dự án cấp đất tái định cư, những khu đất ở mới hình thành có nhiều biến động lớn về dân cư, về hiện trạng bị sạt lở.
Ông N.V.L, phường Mường Thanh cho biết: Tôi xin thành phố làm sổ đỏ vẫn phải đăng ký trích đo và phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt. Tôi cứ tưởng vị trí đất đai các hộ như chúng tôi ở trung tâm thành phố các vị phải có bản đồ từ lâu, bây giờ mới đi đo hóa ra từ trước đến nay các vị chẳng có gì trong tay. Những trường hợp các hộ tranh chấp, lấn chiếm sang đất của nhau thì giải quyết bằng cách nào, lấy cái gì để làm căn cứ để giải quyết? Chúng tôi chỉ là người dân, phải trích đo hay chỉ sao chép lại từ bản đồ ra thì cán bộ chuyên môn phải hướng dẫn. Và tâm lý người dân cứ thấy bảo được đo đạc khoanh vùng là yên tâm… chẳng biết việc đó có thừa không.
Bà Vân cũng cho biết thêm: TP. Điện Biên Phủ không đơn thuần chỉ dùng bộ số liệu năm 2010 mà còn sử dụng số liệu bản đồ năm 1997 và năm 2000. Còn đối với bản đồ địa chính năm 2010 hiện nay cũng đã cho cán bộ phụ trách xã, phường nào thì có trách nhiệm cập nhật thông tin xã phường đó.
Thực tế, bản đồ địa chính chính quy năm 2010 của TP. Điện Biên Phủ tính đến nay đã hơn 10 năm (tính từ thời điểm đo là năm 2009). Đến nay chắc chắn số liệu và hiện trạng ít nhiều đã thay đổi. Tuy nhiên, bản đồ địa chính chính quy và cơ sở dữ liệu số chỉ có ý nghĩa và phát huy hết tác dụng, công năng khi và chỉ khi bộ số liệu được cập nhật thường xuyên. Nếu không cập nhật số liệu bổ sung, hàng năm không được chỉnh lý cập nhật kịp thời sẽ dẫn đến bị lạc hậu.
Chúng tôi làm một cuộc điều tra, khảo sát nhỏ tại phường Him Lam và phường Thanh Trường, hỏi 5 hộ dân có nhu cầu làm “sổ đỏ” thì cả 5 hộ đều phải thực hiện trích đo. Đây là điều bất hợp lý, trong khi TP. Điện Biên Phủ đã có bản đồ địa chính chính quy năm 2010 và cơ sở dữ liệu số; là niềm mơ ước của rất nhiều cán bộ chuyên môn quản lý đất đai của các huyện thị khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Dư luận tỏ ra hoài nghi về khả năng khai thác bản đồ địa chính và ứng dụng cơ sở dữ liệu số của cán bộ chuyên môn TP. Điện Biên Phủ và tính minh bạch của nó. Vì để có được bản đồ địa chính chính quy mỗi huyện phải chi ra khoảng 7 – 8 tỷ đồng tiền ngân sách. Một con số không hề nhỏ so với các huyện nghèo như tỉnh Điện Biên.