Ninh Bình: Tập trung bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ xâm nhập mặn
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 17:05, 11/05/2021
Xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước đầu vào
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, những năm qua, tỉnh Ninh Binh đã tích cực đầu tư và thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình cung cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn.
Nhiều công trình cấp nước tập trung tại các địa phương bị xuống cấp, hiệu quả hoạt động thấp hoặc địa phương chưa có nước sạch được các doanh nghiệp tiếp nhận và đầu tư. Sau tiếp nhận, đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực, cố gắng mở rộng mạng lưới, cải tạo, nâng cấp đường ống, hệ thống máy móc thiết bị nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh, hạn chế các bệnh liên quan gây ra.
Nhờ đó, đã nâng tổng số công trình cung cấp nước sạch tập trung trên toàn tỉnh lên trên 100 công trình và trên 62% hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT từ các công trình cấp nước tập trung.
Tăng cường năng lực xử lý nước nhiễm mặn của các trạm cấp nước. Ảnh minh họa |
Dù thực hiện khá hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhưng theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh sau khi xã hội hóa vẫn còn thấp. Hiện nay, các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu vào, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn.
Nguồn nước đầu vào cung cấp cho các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh được lấy từ hệ thống sông và một số hồ chứa lớn như: sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Mới, hồ Yên Thái, hồ Đồng Chương… Do biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn tại các sông diễn ra ngày càng phổ biến, nhất là khu vực lấy nước cuối nguồn như: Khánh Thành, Khánh Thiện, Khánh Trung, Khánh Lợi, Khánh Hải, Yên Nhân, Yên Từ, Yên Lộc...
Đơn cử như tại Trạm cấp nước sạch xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, Ninh Bình), nơi lấy nước đầu vào để xử lý, cấp nước sạch cho 1.140 hộ dân trong xã, những năm gần đây, bên cạnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước do con người gây ra, nước đầu vào tại Trạm đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn, nhất là trong những tháng mùa khô. Nghiêm trọng hơn, vấn đề nước nhiễm mặn hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Đại diện Trạm cấp nước sạch xã Khánh Thành cho biết, các trạm cấp nước chỉ có thể tăng cường nhân lực kiểm tra, đo độ mặn nước sông và khi độ mặn ở ngưỡng cho phép (dưới 1‰) sẽ tiến hành bơm, cung cấp nước cho nhân dân. Trên thực tế đã có những ngày độ mặn đo được lên đến 1,15‰, những tháng cao điểm Trạm không thể bơm nước trong 3-4 ngày liền. Điều đó ảnh hướng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân.
Theo nhiều người dân xã Khánh Thành, thời điểm nước nhiễm mặn họ gặp rất nhiều khó khăn về cả nước để ăn uống lẫn sinh hoạt hàng ngày. Để chủ động nguồn nước, nhiều gia đình đã xây thêm bể chứa nước lớn dự phòng cho những tháng khô hạn, độ mặn cao. Hộ nào không có bể chứa nước hay giếng rất vất vả, phải xin từng xô nước để đợi Trạm bơm trở lại.
Cần giải pháp dài hơi
Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, các cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tập trung tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, kiểm tra, đo độ mặn trước khi lấy nước vào phục vụ cho nhân dân.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất trong thời gian tới khiến cho tình hình cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn. Bên cạnh đó, nguồn nước tiếp tục có nguy cơ bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Việc cung cấp nguồn nước sạch cho người dân sử dụng vào mùa khô đạt tiêu chuẩn chất lượng cho mục đích sinh hoạt vẫn còn là một vấn đề hết sức bức thiết.
Trước thực trạng đó, các đơn vị đang quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Ninh Binh đã và đang phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, các hoạt động bảo vệ nước đầu nguồn và ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến việc cấp nước. Đồng thời, khuyến khích nhân dân các khu vực có nguồn nước hay bị nhiễm mặn có phương án xây bể chứa tích nước dự phòng, chung tay cùng các công ty, đơn vị cấp nước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Mặc dù vậy, đó cũng chỉ là biện pháp giải quyết tình huống tạm thời, về lâu dài cần có những giải pháp mang tính dài hơi. Trong đó, cần quan tâm triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng xâm nhập mặn như: triển khai nạo vét các cửa sông; tiếp tục xây dựng công trình thủy lợi âu, có chức năng giữ ngọt, ngăn mặn; cải tạo, nâng cấp các đê biển Bình Minh (huyện Kim Sơn), trồng cây chắn sóng hình thành khu rừng phòng hộ ven biển…
Cùng với đó, các công ty, đơn vị quản lý công trình cấp nước cần phải đổi mới công nghệ, đổi mới toàn diện cách xử lý từ nguồn nước đầu vào cho đến nguồn nước ra cung cấp tới hộ dân. Đặc biệt là tăng cường năng lực xử lý nước nhiễm mặn của các nhà máy, trạm cấp nước thông qua việc trang bị công nghệ xử lý nước nhiễm mặn.