Khoác áo mới cho bãi rác Xuân Sơn

Môi trường - Ngày đăng : 11:16, 11/05/2021

(TN&MT) - “Xuân Sơn bây giờ đã khác rồi. Khỏi lo sắm lồng bàn, mắc màn hay đóng kín cửa. Nước máy đến tận từng nhà. Thích thì cứ ra đường chạy thể dục, hít thở thoải mái… thoải mái…”.

Rác cũ… Chủ mới

Cách Trung tâm Hà Nội khoảng 50 km với hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xe, Xuân Sơn được nhắc nhiều không phải vì địa danh du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, mà bởi nơi đây là điểm tập kết, xử lý chất thải (XLCT) của Hà Nội.

Ngược thời gian từ 2017 về trước, Khu XLCT Xuân Sơn là một trong những điểm nóng về môi trường. Ô nhiễm đe dọa môi trường và tính mạng người dân, làm đảo lộn trật tự cuộc sống bình thường hàng ngày. Khi Xuân Sơn bội thực rác, cộng với công tác quản lý lỏng lẻo và công nghệ vận hành sơ sài, chuyện gì đến sẽ đến.

Một góc khu xử lý chất thải Xuân Sơn

Những vụ chặn xe rác vào bãi của người dân địa phương diễn ra thường xuyên. Điển hình như năm 2107, dân tổ chức 4 đợt chặn xe rác, đợt đỉnh điểm kéo dài 4 tháng khiến thành phố Hà Nội ứ ngập trong rác, nhiều xe chở rác đã cố tình giải phóng bằng cách đổ rác tùy tiện ngay bên các trệ đường. Nhiều ý kiến, kiến nghị và đề xuất được gửi đi. Không phải chính quyền và cơ quan chức năng làm ngơ, nhưng làm sao để vừa an dân, vừa giải quyết bài toán cho rác, giải pháp nào mang tính trước mắt, giải pháp nào mang tính căn cơ, và đâu là giải pháp đột phá?

Ngày 1/7/2017 đánh dấu một bước ngoặt lớn với Xuân Sơn khi Khu XLCT Xuân Sơn chính thức được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) giao cho Chi nhánh Xuân Sơn (URENCO 6) tiếp nhận quản lý, thay thế cho 3 đơn vị đồng quản lý trước kia là Công ty CP Môi trường đô thị Sơn Tây - Hợp tác xã Thành Công - Công ty CP Môi trường Thăng Long.

Ngày đầu tiếp nhận, Chi nhánh Xuân Sơn gặp rất nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, kỹ thuật vận hành cũ kỹ, công tác quản lý chồng chéo, hàng chục cán bộ, công nhân tâm lý nặng nề do công việc vất vả và thu nhập bất ổn cùng với vốn kiến thức, tư duy công việc cũ. Điều tra hiện trạng, hệ thống xử lý nước rỉ rác, rãnh tách nước mưa, chống thấm nền, lò đốt… đều không đảm bảo; hàng nghìn tấn rác tồn ứ không được che phủ thu hút dày đặc côn trùng và phát tán mùi ra bán kính rộng.

Trói buộc “mùi hương”

“Việc đầu tiên tôi nghĩ là: Mình không chịu được sao dân chịu được? Làm gì thì làm, nói gì thì nói, mục tiêu cuối cùng là tiêu hóa rác, nhốt ô nhiễm, buộc mùi hương”.

Giám đốc Nguyễn Thanh Hà cùng lãnh đạo URENCO 6 đã đặt ra cho mình một mục tiêu dễ hiểu và thiết thực nhất như vậy từ những ngày đầu tiếp nhận. Quan điểm của ông là kế thừa và cải tiến, biến khó khăn thành động lực. Ban Giám đốc đã bắt tay ngay vào lập lại quy hoạch quản lý, xây dựng kế hoạch công tác, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật tiến tới đầu tư nâng cao, đồng bộ; sắp xếp lại các vị trí công tác, xốc lại tinh thần đội ngũ công nhân, khơi gợi trách nhiệm và đảm bảo thu nhập, đời sống, sức khỏe. Đồng thời, phối kết hợp với cơ quan cấp trên và chính quyền địa phương, từng bước giải quyết các vấn đề nhân dân đặt ra.

Giờ thì Xuân Sơn đã thay da đổi thịt rồi. 5 năm cho một sự chuyển mình mạnh mẽ quả không hề đơn giản nhưng mơ ước đã thành hiện thực, những cố gắng tâm huyết đã được đáp đền bằng thành quả của sự thành công nhìn bằng mắt, sờ bằng tay và… đo bằng mũi ngửi, quả như lời nhận xét của dân: “Xuân Sơn bây giờ đã khác rồi. Khỏi lo sắm lồng bàn, mắc màn hay đóng kín cửa. Nước máy đến tận từng nhà. Thích thì cứ ra đường chạy thể dục, hít thở thoải mái… thoải mái…”.

Phóng viên Báo TN&MT trao đổi với cán bộ kỹ thuật tại bãi rác Xuân Sơn

Rác ở đây được đổ quấn chiếu từng khu vực để hạn chế tối đa diện tích bề mặt hở, phủ bạt dứa bề mặt bãi và các taluy đầu cày, phủ vải HDPE toàn bộ các khu vực đóng bãi tạm thời. Thường xuyên phun hóa chất khử mùi, diệt côn trùng tại sân quay, nơi tiếp nhận rác và hệ thống mương rãnh, hồ chứa bằng máy phun sương kết hợp máy phun di động cầm tay, tần suất 3 - 5 lần/ngày. Đặt 8 bẫy ruồi di động và thuốc dụ. Duy trì rắc vôi bột lên từng mô rác sau khi đổ từ xe vận chuyển xuống sân quay và khu vực tiếp nhận rác trước khi đóng phủ tạm thời. Rửa đường nội bộ, đường lên ô chôn lấp. Giám sát xe vận chuyển qua hệ thống cầu cân và camera dày đặc để hạn chế tối đa lượng đất, rác theo xe ra ngoài... Càng trong những đợt nghỉ, lễ như dịp 30/4, 1/5 vừa rồi, công tác vận hành càng đảm bảo duy trì đều đặn tích cực hơn.

Đứng trên đỉnh rác vào lúc mặt trời gay gắt nhất nhưng không gian chỉ phảng phất mùi hăng hăng của chế phẩm xử lý mùi. Còn mùi của rác đã được gói bọc kín trong lớp HDPE. Phóng tầm mắt ra xa xa, hệ thống xử lý nước rỉ rác, bơm thu nước mặt, hệ thống cống rãnh tách nước mưa được trang bị đầy đủ; dưới các bãi tiếp nhận mới, ô chôn lấp và hồ chứa là hệ thống ngăn thấm. Cách đó không xa, những người công nhân vẫn miệt mài làm việc.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Nguyễn Thị Hào, người cán bộ có nhiều năm công tác trên địa bàn xã hào hứng: “Trước đây chứng kiến thực tế và tiếp nhận đơn thư của dân là lòng tôi nóng lắm, ăn không ngon ngủ không yên. Giờ thì các anh thấy đây, ổn lắm rồi”. Nói thêm về cái sự ổn, người cán bộ xã có phong cách rất… võ biền ào ào diễn giải: “Từ 2017 tới nay cái sự phối hợp với địa phương đổi thay trông thấy. Cứ hàng ngày xe tưới nước rửa đường rồi phun thuốc thường xuyên. Thành phố cũng có chế độ quan tâm hơn nên dân vui. Nói thật, bây giờ ý kiến của nhân dân gửi đến cử tri đã giảm 90%. 10% ý kiến còn lại chỉ tập trung vào mấy đề nghị chế độ, chính sách. Với tư cách là một công dân trên địa bàn, tôi cảm thấy an tâm khi sống ngay cạnh khu tập kết, xử lý rác. Còn trên cương vị là cán bộ xã, thật sự vui mừng trước sự thay đổi tích cực của Công ty được đo bởi sự hài lòng của dân. Giờ người của Công ty với dân thân thiết như người nhà vậy thôi”.

Cổ nhân có câu: Có tề gia mới trị quốc, bình thiên hạ được. Thành công của Công ty không chỉ nằm ở sự hài lòng của chính quyền và nhân dân địa phương, mà nằm ngay trong chính ngôi nhà này khi đội ngũ Ban Giám đốc bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ còn là nỗi lo làm sao để đảm bảo một môi trường làm việc an toàn, một chế độ làm việc khoa học, phù hợp và một thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân Công ty. Với thu nhập bình quân của công nhân ở mức khoảng 7 triệu đồng/ tháng trong điều kiện an tâm về sức khỏe như hiện nay, cán bộ, công nhân Công ty luôn xác định gắn bó với công việc. Vất vả khó khăn là điều nhìn thấy rõ, nhưng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”.

 Lời nhắn gửi từ Xuân Sơn

Vất vả khó khăn có thể vượt qua, nhưng có những khó khăn vượt tầm, đang là trăn trở âu lo trong tâm tư Giám đốc Nguyễn Thanh Hà. Như vận hành hiện tại trên cơ sở đấu thầu, ưu điểm là quản lý Nhà nước khoa học hơn, tính chủ động của nhà thầu được nâng lên, kinh nghiệm tích lũy được ứng dụng, thể hiện. Tuy nhiên, xử lý rác là công việc đặc thù có những phát sinh khó lường và không nằm trong nội dung thầu. Có những phát sinh mang tính thảm họa phải xử lý kịp thời đã từng xảy ra ở các khu XLCT khác trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề thủ tục và đặc biệt là giải ngân sau sự cố còn vướng mắc.

 

Còn nữa, theo Giám đốc Nguyễn Thanh Hà, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, một thực tế đang khiến cho Ban Quản lý Khu XLCT Xuân Sơn phải đau đầu suy nghĩ, đó là diện tích còn lại chỉ đáp ứng cho một thời gian rất ngắn trước mắt. Nếu không đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Dự án “Cải tạo ô chôn lấp 2,2 ha tại Khu 5,6 ha Ba Vì”; Dự án “Hợp nhất các ô chôn lấp giai đoạn 1, 2 tại Khu XLCT Xuân sơn” đảm bảo đúng kế hoạch vận hành của gói thầu 06, tiếp nhận 100% khối lượng rác theo phân luồng của thành phố và kịp thời vận hành các Nhà máy đốt rác điện công nghệ cao thì e rằng, kịch bản cũ có thể lại diễn ra.

Còn đó bao tâm tư cần nhắn gửi, muốn đổi thay, ví như chuyện phân loại rác tại nguồn, xử lý ô nhiễm ngay tại nơi tập kết rác nhỏ lẻ ở các khu dân cư, đầu làng ngõ xóm, biến rác thành tài nguyên như một số quốc gia đang thực hiện…

Còn đó những băn khoăn trăn trở về môi trường làm việc và thu nhập của đội ngũ công nhân… Không phải ai cũng nhẹ lòng với triết lý sống “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Tuyên truyền giáo dục, khơi gợi niềm tự hào về công việc bình dị nhưng ý nghĩa đồng thời phải gắn với an toàn lao động và đảm bảo thu nhập… Quả không phải là bài toán dễ.

Và nếu như một ngày, khi sự chuyển mình của công nghệ được áp dụng, những công nhân này sẽ đi về đâu nếu không cho họ một sự chuẩn bị đào tạo kiến thức mới.

Vậy đó, đổi thay, thành công, không có nghĩa là ngủ quên trên chiến thắng. Chiếc áo mới của ngày hôm nay rồi mai này sẽ chật. Nên cần lắm sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, tiến bộ của khoa học và trí tuệ, tâm huyết của con người mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty. Để Xuân Sơn dẫu hôm nay có áo mới rồi, nhưng mai này “cơ thể” đổi thay, lại có thêm áo mới, nhất định phải có thêm áo mới. 

Việt Hùng - Việt Hải