Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống phòng chống thiên tai: Gắn kết quản lý rủi ro thiên tai trong bối cảnh BĐKH

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:16, 11/05/2021

(TN&MT) - Theo các chuyên gia khí tượng, biến đổi khí hậu (BĐKH) trong tương lai có thể làm cho thiên tai trở nên khắc nghiệt hơn, vì vậy cần thiết phải thúc đẩy quản lý rủi ro thiên tai (RRTT). Để làm rõ thêm nội dung này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học KTTV & BĐKH, Chủ tịch Hội KTTV Việt Nam.

PV: Thưa GS.TS, ông có thể nêu rõ hơn về các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy BĐKH đang làm nghiêm trọng hơn các rủi ro về thiên tai?

GS.TS Trần Thục:

RRTT là sự kết hợp của hiểm họa, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. BĐKH do đó sẽ ảnh hưởng đến RRTT theo hai cách. Trước hết là thông qua khả năng gia tăng các nguy cơ về các sự kiện khí hậu/thời tiết cực đoan và thứ hai là thông qua sự gia tăng tính dễ bị tổn thương của cộng đồng đối với các thiên tai, đặc biệt là thông qua việc làm suy thoái hệ sinh thái, giảm nguồn cung cấp nước, thực phẩm và những thay đổi đối với sinh kế.

Đầu tiên, BĐKH đã làm gia tăng các cực đoan khí hậu/thời tiết. Dữ liệu quan trắc hơn 50 năm qua trên toàn cầu cho thấy các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã có xu thế gia tăng cả về cường độ và tần suất. Đến năm 2019, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp; mực nước biển trung bình toàn cầu giai đoạn 1902 - 2015 tăng khoảng 1,5 mm/năm, giai đoạn 1993 - 2015 tăng 3,16 mm/năm và giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,6 mm/năm; số lượng bão nhiệt đới cường độ mạnh tăng và các siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

GS.TS Trần Thục

Còn tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,89°C trong thời kỳ 1958 - 2018, riêng giai đoạn 1986 - 2018 tăng 0,74°C; mưa cực đoan tăng ở hầu hết các vùng của cả nước; số ngày nắng nóng tăng, số ngày rét đậm, rét hại giảm; hạn hán xảy ra thường xuyên hơn; mực nước biển tăng 2,74 mm/năm; số lượng các cơn bão mạnh trên biển Đông có xu thế tăng.

Dưới tác động của BĐKH, ở Việt Nam đang chứng kiến những dấu hiệu bất thường của thời tiết, khí hậu. Một ví dụ như: Năm 2014 vào tháng Giêng - giữa mùa khô nhưng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi lại có một đợt lũ cao bất thường, thậm chí cao hơn cả mùa mưa năm sau, trong mùa khô có lũ lớn và trong mùa mưa lũ nhỏ. Những năm gần đây, mưa ở miền Trung khá bất thường, có năm rất nhiều như 2020, có năm rất ít như năm 2018 - 2019.

Mặt khác, BĐKH cũng làm gia tăng mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Theo đó, các hiện tượng khí hậu diễn ra chậm như hạn hán, nước biển dâng có xu hướng tác động đến sinh kế và có thể dẫn đến việc di cư lâu dài; điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ phơi bày trước hiểm họa và tính dễ bị tổn thương của người dân địa phương. Theo báo cáo của Trung tâm Giám sát dịch chuyển quốc tế (IDMC) về ước tính số lượng di dân toàn cầu do thiên tai, với hơn 1 triệu người phải di dời trong giai đoạn 2008 - 2012, Việt Nam đứng thứ 17 trong 82 quốc gia có nhiều người phải di dời nhất.

PV: Vậy thích ứng với BĐKH đã góp phần quản lý RRTT ra sao? Đâu là những thách thức trong gắn kết việc thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT, thưa ông?

GS.TS Trần Thục:

BĐKH làm cho các thiên tai trở nên khắc nghiệt hơn, vì vậy, quản lý RRTT có thể được thúc đẩy trong bối cảnh BĐKH. Ví dụ, sau trận bão và lũ lụt năm 2009, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã hoãn kế hoạch mở rộng thành phố về phía Bắc, tiếp giáp với đầm Thị Nại và bắt đầu phục hồi rừng ngập mặn như một biện pháp bảo vệ.

Thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT có nhiều điểm tương đồng, đều tập trung giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương của người dân. Thích ứng với BĐKH đòi hỏi phải định hình và thiết kế lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để ứng phó một cách hiệu quả với những thay đổi của khí hậu. Tương tự, giảm nhẹ RRTT tìm cách tác động tới quá trình ra quyết định và bảo vệ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trước những rủi ro liên quan đến môi trường. Ngoài ra, giữa BĐKH và thiên tai còn có các mối liên hệ qua lại như: BĐKH có thể làm thay đổi cường độ và tần suất xuất hiện thiên tai; BĐKH ảnh hưởng đến tình trạng dễ bị tổn thương trước thiên tai; Thiên tai tác động đến tình trạng dễ bị tổn thương trước BĐKH.

Tuy nhiên, thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT cũng có những khác biệt nhất định. Công tác giảm nhẹ RRTT thường tập trung nhiều hơn vào các ứng phó ngắn hạn. Thích ứng với BĐKH chủ yếu tập trung vào các chương trình dài hạn được thực hiện trong nhiều năm để thích ứng với các loại thiên tai có nguồn gốc khí hậu. Giảm nhẹ RRTT cũng tập trung nhiều hơn vào các hiện tượng cực đoan, trong khi thích ứng với BĐKH tập trung nhiều hơn vào những thay đổi về điều kiện trung bình.

Tác động của BĐKH đến các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn có tính không chắc chắn, do đó, quá trình lập kế hoạch ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan này trong phạm vi quản lý RRTT sẽ đem lại lợi ích kép. Công tác quản lý RRTT có thể kế thừa cách tích hợp các thông tin về khí hậu hiện tại và tương lai vào việc ra quyết định.

Hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã có xu thế gia tăng cả về cường độ và tần suất.

Thực tế cũng cho thấy, việc gắn kết thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT có những thách thức nhất định. Đó là sự khác biệt về ngôn ngữ chuyên ngành và thuật ngữ; sự khác nhau về cách tiếp cận trong thực hiện các dự án và các rào cản về thể chế, chính sách và tài chính. Sự thiếu hợp tác trong công tác thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT cũng làm cho việc gắn kết hai lĩnh vực này khó khăn hơn.

PV: Việc thiếu gắn kết giữa thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT có thể dẫn đến hậu quả ra sao? Cần những giải pháp nào để gắn kết thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT, thưa ông?

GS.TS Trần Thục:

Việc thiếu gắn kết giữa thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT có thể dẫn đến việc gia tăng rủi ro thiên tai, tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên như  đất và nước, trong đó có khả năng tăng xung đột và gây mất an ninh. Do đó, cần xem xét kết hợp các vấn đề về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT trong cùng chương trình nghị sự và cùng thực hiện khi có thể.

Để gắn kết thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT được hiệu quả và bền vững, đối với những người làm công tác thích ứng với BĐKH, cần sử dụng các hướng dẫn của Khung hành động Hyogo và Sendai trong cách tiếp cận giảm nhẹ rủi ro toàn diện đối với thích ứng với BĐKH; chú trọng đến giảm nhẹ RRTT trong trụ cột thích ứng thuộc khung thích ứng với BĐKH. Sử dụng các công cụ giảm nhẹ RRTT trong ứng phó với các rủi ro liên quan tới thời tiết có thể diễn ra nghiêm trọng hơn do BĐKH; tăng cường các hoạt động thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng để giảm tính dễ bị tổn thương...

Đối với người làm công tác giảm nhẹ RRTT, cần phát huy vai trò của giảm nhẹ RRTT trong các chính sách, chiến lược và chương trình thích ứng với BĐKH; cung cấp thông tin và công cụ giảm nhẹ RRTT cho những người làm công tác thích ứng với BĐKH; đảm bảo rằng tất cả các chính sách, biện pháp và công cụ giảm nhẹ RRTT có xét đến các rủi ro hiện tại có thể gia tăng hoặc mới phát sinh do BĐKH.

Ngoài ra, thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ RRTT có thể được gắn kết với nhau thông qua sự tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các Bộ, ngành trong hoạch định chính sách, trong tăng cường thực hiện các chương trình hợp tác, cũng như trong chia sẻ các công cụ và phương pháp thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tùng (thực hiện)