Những cảnh báo còn nguyên giá trị
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:38, 11/05/2021
Khu vực ven biển Việt Nam với thiên nhiên trù phú đang mang lại sinh kế cho khoảng 47 triệu người dân, tương đương với một nửa dân số trên cả nước.
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên nhiên thường xuyên xảy ra tại Việt Nam.
Mặc dù chương trình quản lý rủi ro của Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Những tồn tại chính được chỉ ra gồm có các thông tin về rủi ro rời rạc và thiếu các quy định liên quan như quy hoạch không gian, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng được thực thi kém hiệu quả.
Ảnh minh họa |
WB cảnh báo, nếu tiếp tục xu hướng phát triển kinh tế nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao (ven biển) như hiện nay thì thiệt hại do thiên tai sẽ gia tăng. Chẳng hạn như khu vực ven biển miền Trung, chỉ duy nhất Đà Nẵng là đô thị hóa thành công hiệu quả, còn lại không thể phát triển kinh tế kiểu đô thị hóa nhanh được.
Thực tế, những đợt bão lũ với tần suất và cấp độ cao hoành hành khu vực miền Trung Việt Nam là bằng chứng rõ nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là, rủi ro thiên nhiên, vốn đã rất nguy hiểm, đang trở nên ngày càng nặng nề do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Nhìn toàn diện, khu vực ven biển Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và kinh tế, trong khi đó, các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ.
Theo WB, ước tính 12 triệu người ở các tỉnh ven biển Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở đang nằm trong các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm, có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP, và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.
Ngày càng có nhiều dự án phát triển mới ở các khu vực ven biển trong những vùng có nguy cơ ngập lụt cao vì những nơi an toàn không còn đất trống. Toàn bộ các khu dân cư được xây dựng trên những cồn cát dễ bị xói lở. Ở một số nơi, bờ biển đã lấn vào đất liền tới 300 m, buộc hàng trăm hộ gia đình phải di dời và thay đổi sinh kế. Mặc dù những hiểm họa tự nhiên đã là nghiêm trọng, nhưng biến đổi khí hậu và áp lực của con người lên các hệ sinh thái tự nhiên càng làm gia tăng những nguy cơ này.
Không chỉ có vậy, cơ sở hạ tầng và các cơ sở công cộng cũng đứng trước các nguy cơ này, có nghĩa là việc cung cấp dịch vụ có thể bị gián đoạn trong những thời điểm cần thiết nhất. Nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện công và trạm xá cùng 11% các trường học trong khu vực. Hơn một phần ba lưới điện của Việt Nam được đặt tại các khu vực trong rừng, do đó, nguy cơ bị hư hỏng khi cây đổ do bão lũ là rất lớn.
Trước những đe dọa trực tiếp của thiên nhiên, một kế hoạch hành động cụ thể là vô cùng cần thiết. Theo đó, WB đã đưa ra năm lĩnh vực chiến lược cần được triển khai khẩn trương và dứt khoát. Đó là, cần cải thiện các công cụ dữ liệu và ra quyết định bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai có thể truy cập công khai và hệ thống quản lý tài sản đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng. Cân nhắc yếu tố rủi ro trong quy hoạch phân vùng và không gian dựa trên thông tin sẵn có tốt nhất. Tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công bằng cách nâng cấp các công trình này tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất và ít được bảo vệ, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn an toàn hiện có. Tận dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên bằng cách khai thác khả năng bảo vệ và đóng góp phát triển kinh tế của hệ sinh thái một cách có hệ thống. Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai bằng cách nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường năng lực ứng phó của địa phương, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thực hiện phân bổ ngân sách rủi ro toàn diện.
Rõ ràng, đã đến lúc cần khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới, nếu không, hàng tỷ đô la tăng trưởng kinh tế sẽ bị cuốn sạch bởi các thảm họa thiên nhiên.