Hơn 1 triệu người Madagascar đối mặt nạn đói do hạn hán nghiêm trọng

Thế giới - Ngày đăng : 20:13, 10/05/2021

(TN&MT) - Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua tại Madagascar đã khiến hơn 1 triệu người phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng.

Thanh niên này lặn lội hơn một tiếng đồng hồ để tìm nước cho gia đình gồm 10 người sau trận mưa nhẹ vừa qua nhưng giếng cạn nước. Ảnh: Ainga Razafy/MSF

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), thời tiết khô hạn sẽ khiến sản lượng thu hoạch tại phía Nam Madagascar trong những tháng tới sẽ thấp hơn 50% so với mức bình thường. Cũng tại khu vực này, lượng mưa đã giảm 50% trong vụ gieo trồng vào tháng 10 trong tình trạng hạn hán diễn ra trong năm thứ tư.

“Đa số những người sống ở phía Nam Madagascar dựa vào thu hoạch để kiếm sống. Vì thế, người dân sẽ không thể trở lại đồng ruộng và nuôi sống gia đình nếu không có mưa”, Julie Reverse, điều phối viên của tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới (MSF) tại Madagascar cho biết.

Trước đó, hồi tháng 12/2020, những trận bão cát lớn tấn công đã che phủ diện tích đất canh tác, khiến tình hình càng nghiêm trọng hơn. Trong 5 năm qua, bão cát xảy ra ngày càng thường xuyên, làm chết cây xương rồng – loại cây vốn có vai trò sống còn đối với người dân trong thời kỳ đói kém, phá hủy mùa màng và làm chết các loài động vật như cừu và dê.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của UN, tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng gần gấp hai lần trong 4 tháng qua tại phía Nam Madagascar, trong đó, thành phố Ambovombe là nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính cao nhất.

Để giải quyết tình hình trên, MSF đã triển khai một phòng khám di động vào cuối tháng 3/2021 và đến nay đã điều trị cho hơn 800 trẻ em suy dinh dưỡng, với 1/3 số trường hợp ở tình trạng nghiêm trọng. Các nhân viên của tổ chức này cũng phát hiện thêm nhiều căn bệnh khác, trong đó có bilharzia - bệnh lây truyền qua đường nước do giun dẹp ký sinh, tiêu chảy, sốt rét và nhiễm trùng đường hô hấp. Đây là những căn bệnh xuất phát từ tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu nước sạch.

Mới đây, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) về phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) đã ban bố cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực kéo dài, từ tháng 4 đến tháng 12/2021, do ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm mưa, gia tăng giá lương thực và bão cát.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) công bố, nhiều năm hạn hán kéo dài đã khiến số người bị đói tăng khoảng 85% vào năm 2020. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến người dân ở phía Nam Madagascar không thể tìm việc làm tại các thành phố do nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa và chấm dứt công việc thời vụ trong ngành du lịch vốn tạo thu nhập lớn.

Mai Đan