Chuyển biến tích cực về kiểm tra chuyên ngành

Kinh tế - Ngày đăng : 19:54, 10/05/2021

(TN&MT) - Theo báo cáo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã chỉ ra môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có nhiều cải thiện tích cực. Trong đó, kiểm tra chuyên ngành là một trong số ít lĩnh vực có sự cải thiện mạnh trong năm 2020 và cũng là lĩnh vực chứng kiến sự cải thiện liên tục trong nhiều năm qua.

Ảnh minh họa

Nhiều lĩnh vực được cải thiện

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là trọng tâm cải cách của Chính phủ trong những năm qua.

Một số kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được như: Thứ hạng các chỉ số trên bảng xếp hạng quốc tế liên tục tăng điểm (thể hiện chất lượng môi trường kinh doanh) và tăng bậc.

Thông tin từ Báo cáo từ VCCI cũng cho thấy, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.

Trong đó, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).

Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: Các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Một số lĩnh vực khác cũng ghi dấu kết quả cải cách tích cực như thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020.

Chất lượng một số hạ tầng cơ bản của Việt Nam đã có sự cải thiện liên tục trong nhiều năm qua. Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về hạ tầng khu công nghiệp và đường sá có xu hướng tăng.

Đặc biệt, kiểm tra chuyên ngành là một trong số ít lĩnh vực có sự cải thiện mạnh trong năm 2020, và cũng là lĩnh vực chứng kiến sự cải thiện liên tục trong nhiều năm qua.

Tiếp tục cải cách trong thời gian tới

Mặc dù, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm qua, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong thời gian tới. Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM, sẽ có thách thức khi cải cách không đồng đều. Đơn cử, lĩnh vực điện năng, nộp thuế, khởi sự kinh doanh có mức tăng cao còn những lĩnh vực khác lại giảm, trong khi doanh nghiệp không chỉ hoạt động trong một lĩnh vực.

Cùng với đó là sự gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực, duy trì động lực của cải cách. Đặc biệt, còn nhiều rào cản khác đối với kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải đối mặt nhưng chưa được nhận diện, như tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ còn lớn, thanh tra kiểm tra vẫn còn trùng lặp và có xu hướng gia tăng theo số năm hoạt động và quy mô của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tính chất phức tạp, khó khăn của cải cách cũng ngày một tăng lên khi dư địa thu hẹp đi.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, Báo cáo của VCCI đưa ra một số nhóm giải pháp trong dài hạn như: Tiếp tục duy trì đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, cùng với đó là trọng tâm cải thiện nên tập trung vào nhóm các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng.

3 vấn đề cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, phá sản doanh nghiệp và thi hành án dân sự, cần được coi là một trong những khâu đột phá chiến lược để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4, thanh toán trực tuyến cần tiếp tục được coi là nhiệm vụ quan trọng, nhưng cần đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ thực chất hơn và giải quyết được các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc trên thực tế.

Cùng với đó, nhóm vấn đề về minh bạch hóa và áp dụng quản lý rủi ro vào thanh kiểm tra doanh nghiệp nên được đưa vào trở thành một nội dung quan trọng của cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách cũng là một nội dung mà nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư lớn vào các ngành sản xuất chế tạo và hạ tầng.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành kinh tế số cũng cần được coi là nhiệm vụ quan trọng để có thể giúp ngành này theo kịp tốc độ phát triển và củng cố năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh mới.

Thu Minh