Mở rộng địa giới TP. Huế: Cần ổn định và tạo sự đồng thuận thống nhất cao
Tài nguyên - Ngày đăng : 21:20, 08/05/2021
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP. Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang liên quan đến việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế.
Huế sẽ mở rộng trong tương lai gần |
Theo ông Hoàng Hải Minh - Chủ tịch UBND TP. Huế, đến nay công tác thông tin tuyên truyền và công bố Nghị quyết được các ban, ngành, địa phương tăng cường theo hướng sắp sếp ĐVHC phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu xuyên suốt xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
“Kế hoạch về công tác bàn giao các ĐVHC cấp xã; tổ chức chính quyền địa phương ở các phường mới thành lập do sắp xếp, sáp nhập; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ở các phường mới thành lập… đã được ấn định thời gian thực hiện. Cùng với đó, các địa phương cũng đang lên kế hoạch về tổ chức bàn giao nhân lực, vật lực trong quá trình thực hiện nghị quyết ”- ông Minh thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện phải bám sát Luật Chính quyền địa phương, các quy định của Trung ương; vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn địa phương. Quá trình thực hiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của từng ĐVHC cấp huyện, cấp xã; không có sự gián đoạn giữa các ĐVHC cũ và ĐVHC mới; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và nhân dân.
“Cùng với đó, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Việc mở rông TP. Huế cần tạo sự đồng thuận cao |
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương liên quan chuẩn bị các điều kiện để bộ máy trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp xã mới được hình thành sau khi sắp xếp, thành lập phường đi vào hoạt động theo đúng quy định khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành. Xác định các nội dung, công việc và phân công nhiệm vụ để cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chủ động triển khai phù hợp với quy định và tình hình thực tế tại địa phương.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nghị quyết cần tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tổ chức thực hiện nghị quyết; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo động lực tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng thống nhất đồng ý thành lập 3 Tổ công tác để tổ chức thực hiện Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu quả, do 3 Giám đốc của 3 Sở: Nội vụ, KH&ĐT, Xây dựng làm 3 Tổ trưởng để hỗ trợ giải các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, địa giới, công tác bầu cử, đầu tư, quy hoạch xây dựng...
Được biết, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP. Huế hiện hữu (70,67km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang; diện tích khoảng 266,06km2.
Sau khi sắp xếp, mở rộng, TP. Huế trong tương lai sẽ rộng gấp gần 4 lần hiện tại. Ngoài ra, sau khi sắp xếp, sáp nhập toàn TP. Huế có 36 xã, phường (29 phường và 7 xã).