Tháng 4/2021: Diện tích rừng Amazon tại Brazil bị tàn phá tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020

Thế giới - Ngày đăng : 17:47, 08/05/2021

(TN&MT) - Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) vừa công bố, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ở mức 1.157km2.

Những người bản địa từ bộ tộc Mura tại khu rừng Amazon bị tàn phá ở Humaita, bang Amazonas, Brazil. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, chỉ tính trong tháng 4/2021, diện tích rừng Amazon tại Brazil bị tàn phá tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Reuters, kể từ năm 2019, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và cháy rừng tại Amazon đã tăng vọt do sự lỏng lẻo trong kiểm soát, cho phép hoạt động khai thác mỏ và nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Chính phủ Brazil công bố dữ liệu cho thấy, tình trạng phá rừng đã đạt mức cao nhất trong 12 năm vào năm 2020.

Trong những tháng đầu năm, tỷ lệ phá rừng Amazon nhìn chung giảm do những trận mưa lớn hạn chế hoạt động khai thác. Tuy vậy, nạn phá rừng này đạt đỉnh điểm vào mùa khô từ tháng 5 đến tháng 10. Chỉ tính riêng tháng 7/2020, tỷ lệ rừng bị tàn phá đã cao hơn 4 tháng đầu năm.

Brazil đang chịu áp lực lớn từ quốc tế trong việc ngăn chặn thực trạng tàn phá Amazon, khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới đóng vai trò quan trọng trong hạn chế biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thụ lượng lớn khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu diễn ra tại Mỹ hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã cam kết dành ngân sách lớn hơn cho hoạt động môi trường và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang trong quá trình đàm phán viện trợ cho những nỗ lực bảo tồn rừng Amazon của Brazil, với mong muốn đất nước này sẽ sớm hành động để giảm nạn phá rừng trong năm nay.

Cũng trong tháng 4, Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles đã đề nghị các quốc gia, trong đó có Mỹ viện trợ 1 tỷ USD nhằm giúp Brazil đối phó với nạn phá rừng Amazon. Brazil cam kết sẽ giảm tình trạng tàn phá rừng từ 30-40% trong 12 tháng nếu nhận được viện trợ, trong đó, 1/3 khoản viện trợ sẽ dành cho các hoạt động chống phá rừng và 2/3 còn lại sẽ được sử dụng nhằm phát triển kinh tế.

Mai Đan