Hiệu quả từ thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp ở Lạng Sơn

Kinh tế - Ngày đăng : 19:40, 07/05/2021

(TN&MT) - Những năm qua, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Diện tích đất có rừng ngày càng tăng, năng suất, chất lượng rừng được cải thiện, bảo vệ được diện tích rừng hiện có, tài nguyên rừng và đất rừng được quản lý sử dụng hợp lý hơn.

Để triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp có hiệu quả, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, xã hội hóa quản lý, bảo vệ và phát triển; tăng cường đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Từ đó tình hình mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã, chặt, phá rừng trái pháp luật đã giảm rõ rệt, từ 208 vụ năm 2016 xuống còn 178 vụ năm 2020.

Công tác phòng, chống cháy rừng ngày càng được chú trọng. Toàn tỉnh đã xây dựng được 11 Phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện, 204 Phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, góp phần phục vụ tích cực cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Diện tích rừng bị cháy năm 2016 là 24,7 ha giảm xuống còn 16,264 ha năm 2020. Rừng tự nhiên được quan tâm, chú trọng quản lý, bảo vệ, diện tích, chất lượng rừng tăng dần theo các năm, từ hơn 293.589 ha năm 2016 lên hơn 295.664 ha năm 2019.

Độ che phủ rừng của Lạng Sơn tăng từ 60,5 % năm 2016 lên 63% năm 2020.

Hiện toàn bộ diện tích đất có rừng trên địa bàn được quản lý thống nhất trên cơ sở thiết lập lâm phận quốc gia, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và thực địa. Để phân định rõ ranh giới ba loại rừng trên bản đồ và cắm mốc, bảng ngoài thực địa, khắc phục tình trạng lấn chiếm, phá rừng trái phép, tạo thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; tăng cường cơ sở pháp lý cho việc quản lý rừng của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp, tỉnh đã phê duyệt triển khai dự án cắm mốc phân định ranh giới 3 loại rừng tỉnh Lạng Sơn.

Đến hết năm 2020 đã thực hiện cắm xong mốc rừng đặc dụng, nghiệm thu và bàn giao xong mốc ngoài hiện trường cho chủ rừng; hoàn thành công tác khảo sát thiết kế vị trí cắm mốc rừng phòng hộ được 1.435 mốc. Hiện nay đang thi công mốc ngoài thực địa, dự kiến thi công xong vào tháng 6/2021, thực hiện các thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào quản lý, sử dụng xong trước tháng 12/2021.

Bên cạnh đó công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng được tỉnh chú trọng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng tỉnh Lạng Sơn và Quy hoạch bảo tồn phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng Mẫu Sơn, Bắc Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó xác lập 3 khu rừng đặc dụng trên địa bàn với tổng diện tích là 13.112,64 ha, thành lập 2 Ban Quản lý rừng đặc dụng (Ban Quan lý rừng đặc dụng Mẫu Sơn và Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên), giao 1 Hạt Kiểm lâm thực hiện làm nhiệm vụ chủ rừng đặc dụng Bắc Sơn. Một số loài quý hiếm đã được đưa vào bảo vệ nghiêm ngặt như: Hươu xạ, Voọc đen má trắng, Hoàng đàn, Nghiến; đã nhân giống thành công cây Hoàng đàn Hữu Liên.

Công tác trồng rừng được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2016 - 2020 diện tích trồng rừng tập trung là 31.535,9 ha, trong đó trồng rừng phòng hộ được 779,9 ha, trồng rừng sản xuất được 30.756 ha (gồm trồng mới 21.529,2 ha; trồng lại sau khai thác 9.226,8 ha), có khoảng 3.000 ha diện tích trồng thâm canh gỗ lớn. Kết quả đã nâng tổng diện tích đất có rừng của tỉnh đến hết năm 2020 là 523.937,9 ha (trong đó rừng tự nhiên là 295.664,05 ha; rừng trồng là 228.273,85 ha), nâng độ che phủ từ 60,5 % năm 2016 lên 63% năm 2020.

Giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã trồng được 42,75 triệu cây phân tán, tương ứng khoảng 21.377,2 ha, trung bình mỗi năm trồng khoảng 8,55 triệu cây/năm. Loài cây trồng chủ yếu là Thông Mã vĩ, Keo, Bạch đàn, Hồi, Mỡ, Lát, Trám, Sấu và một số loài cây bản địa. Kết quả trồng cây phân tán đã giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần tăng diện tích rừng trồng hằng năm trên địa bàn.

Cơ sở chế biến lâm sản từng bước hình thành và phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân

 

Công tác chế biến và phát triển thị trường lâm sản đã được chú trọng thực hiện, một số sản phẩm lâm nghiệp chế biến tại tỉnh được xuất khẩu đến thị trường một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Toàn tỉnh hiện có 157 doanh nghiệp và xưởng chế biến quy mô hộ gia đình. Các cơ sở chế biến lâm sản đã từng bước hình thành và phát triển, được đầu tư, cải tạo nâng cấp nhà xưởng, một số doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo ra các sản phẩm có giá trị như ván dán, ván ép, đồ gỗ nội thất. Hàng năm chế biến gỗ được khoảng 126 nghìn m3 sản phẩm/năm, ước tính tổng doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, giá trị các mặt hàng xuất khẩu địa phương năm 2020 đạt 137,5 triệu USD.

Sản phẩm chế biến chủ yếu của tỉnh là ván bóc, ván ép, ván dán, đồ gỗ nội thất, nhựa Thông, hoa Hồi... Sản phẩm đồ gỗ, Hoa Hồi được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo, Nhật Bản, Trung Đông, Mỹ, Đức, Nga,… chiếm khoảng 70% sản lượng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 – 2020, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Nhận thức về nghề rừng và phát triển kinh tế rừng của người dân được nâng cao, từng bước tạo cho người làm nghề rừng có thể sống và gắn bó với rừng, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, đồng thời phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ của rừng, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hoàng Nghĩa