Thừa Thiên Huế: Giám sát, truy vết hơn 600 trường hợp là F1, F2, F3 của các ca COVID – 19 mới

Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 07/05/2021

(TN&MT) - Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang có 601 trường hợp là F1, F2 và F3 của các ca nhiễm COVID - 19, trong đó có 35 người là F1. Công tác phòng chống dịch đang được cơ quan chức năng tỉnh này triển khai hết sức nghiêm túc, quyết liệt.

601 trường hợp F1, F2, F3

Tối 6/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID - 19 tỉnh Thừa Thiên Huế có báo cáo mới nhất về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, tính đến hết ngày 6/5, toàn tỉnh không có trường hợp dương tính với COVID - 19. Qua rà soát, tổng số người từ các tỉnh/thành có dịch trở địa bàn về địa phương từ ngày 28/4 đến nay (còn lưu trú trên địa bàn đang được theo dõi) là 6.339 người.

Hiện có 35 người là F1, 272 người là F2 và 294 người là F3 của các ca COVID – 19. Cụ thể liên quan chuỗi lây nhiễm ở Hà Nam có 8 trường hợp F1, 76 trường hợp F2. Liên quan chuỗi lây nhiễm ở TP. Đà Nẵng có 26 trường hợp F1 và 154 trường hợp F2. Liên quan chuỗi lây nhiễm ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 1 người F1. Tất cả đều được giám sát, truy vết.

Tiêm vắc xin phòng dịch COVID - 19 

Các trường hợp đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và nơi lưu trú là 406 trường hợp, trong đó tại nơi lưu trú là 302 người, tại cơ sở y tế là 3 người, và tại cơ sở cách ly tập trung là 101 người. Giám sát y tế đối với các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung về địa phương là 69 trường hợp.

Kể từ ngày 29/4 đến đến ngày 6/5, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 256 trường hợp. Kết quả có 184 trường hợp âm tính, 72 trường hợp đang chờ kết quả.

Đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiêm phòng COVID - 19 cho 7.733 người là các đối tượng ưu tiên gồm cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, cán bộ nhân viên tại các cảng, cửa khẩu trên địa bàn.

Quyết liệt phòng, chống dịch

Trước tình hình COVID - 19 đang phức tạp với nhiều ca bệnh mới trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho rằng, đây là thời điểm chúng ta phải thực hiện nghiêm túc việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, phát huy chức năng nhiệm vụ của cán bộ cơ sở, tổ phòng chống dịch cộng đồng, công an khu vực.

“Các địa phương cần rà soát lại cơ chế, quy trình khai báo y tế tại địa phương đã tốt thật sự chưa, số liệu đã nắm được cụ thể, chính xác chưa. Nếu để xảy ra sai sót, bỏ sót đối tượng thì hậu quả sẽ khó lường...”, ông Thọ nhấn mạnh.

Người dân đi từ Đà Nẵng ra thị trấn Lăng Cô sẽ được tiến hành đo thân nhiệt, khai báo y tế...

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương hạn chế cử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi công tác ngoại tỉnh, đặc biệt là các địa phương đang có dịch; trường hợp đã cử đi công tác ngoại tỉnh trở về địa phương bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm soát công dân các tỉnh/thành khác đến địa bàn, nhất là từ các địa phương có dịch; quản lý số lượng người dân, du khách lưu trú hàng ngày trên địa bàn trong công tác đăng ký tạm trú, kê khai y tế. Tổ chức vận hành hiệu quả phần mềm khai báo y tế, báo cáo số liệu trên hệ thống Hue-S; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng công dân đến địa phương mà không được theo dõi, giám sát về tình trạng dịch tễ. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt hành chính nghiêm các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch nhằm nâng cao ý thức phòng dịch của người dân.

Khẩn trương rà soát quy trình tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và công bố kết quả xét nghiệm; đảm bảo thời gian từ khi lấy mẫu cho đến công bố kết quả xét nghiệm không quá 10 giờ (không quá 4 giờ để lấy mẫu và 6 giờ để xét nghiệm). Thống nhất lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, tầm soát đối với tất cả các đối tượng có nguy cơ cao; giao Sở Y tế chịu trách nhiệm toàn diện công tác triển khai thực hiện. Trong đó, lưu ý sàng lọc tập trung cho đối tượng tại các nhà hàng, quán ăn dọc tuyến QL 1A.

Công an tỉnh chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng kích hoạt các chốt kiểm tra y tế liên ngành kiểm soát người và phương tiện đến/đi qua địa bàn tỉnh khi có yêu cầu; chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện tại tuyến QL 1A trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại khu vực thị trấn lăng Cô, huyện Phú Lộc. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly tập trung, sẵn sàng tiếp nhận cách ly từ 1.500 - 2.000 người. Tổ chức hoạt động Trạm giám sát dịch tễ phòng, chống dịch COVID - 19 tỉnh đối với các phương tiện xe máy, xe thô sơ, người đi bộ tại Trạm trung chuyển hầm Hải Vân đảm bảo hiệu quả.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác phòng, chống dịch

Cũng trong ngày 6/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID – 19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra văn bản bổ sung một số biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch.

Cụ thể từ lúc 0h ngày 7/5, đối với các hội nghị, hội thảo cần thiết phải tổ chức, số lượng không quá 50 người; đồng thời đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch. Đối với tổ chức tiệc cưới, hỏi, tân gia, việc tang... tập trung không quá 50 người và đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Bổ sung danh mục tạm dừng hoạt động kinh doanh một số dịch vụ như rạp chiếu phim, pub beer, câu lạc bộ thể dục - thể thao trong nhà, khu vui chơi trẻ em. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán cafe...) được phép hoạt động nhưng phải thực hiện giãn cách, giảm tối thiểu 50% công suất phục vụ, quét mã QR và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Trước đó tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, vũ trường, massage... từ trưa 3/5.

Trong khi đó tại các chốt kiểm soát dịch vùng biên giới, Bí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu cũng đã đến thăm hỏi và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ, nghiêm túc, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, bằng mọi giá phải khống chế, kiểm soát được dịch ngay tại tuyến đầu biên giới không để dịch lây lan...

VĂN DINH