Băng ở Nam Cực có thể tan nhanh và mất kiểm soát vào năm 2060
Thế giới - Ngày đăng : 21:35, 06/05/2021
Sông băng Thwaites ở phía Tây Nam Cực. Ảnh: AFP |
Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 5/5 trên tạp chí Nature, tốc độ nóng lên toàn cầu hiện nay có nguy cơ khiến mực nước biển dâng “nhanh và mất kiểm soát” do sự tan của các tảng băng lớn ở Nam Cực trên diện rộng.
Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu không giảm nhanh chóng lượng khí thải làm nóng hành tinh, thế giới sẽ phải đối mặt với tốc độ tan băng ở Nam Cực tăng đột ngột vào năm 2060. Điều này sẽ làm mực nước biển dâng cao và đe dọa các thành phố ở ven biển.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các chính sách hiện tại của một số quốc gia không phù hợp với tình hình thực tế. Theo dự báo, vào năm 2100, điểm giới hạn ở Nam Cực có thể được kích hoạt nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 3 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nếu thế giới có thể đáp ứng các cam kết trong Thỏa thuận Paris, số lượng băng tan ở Nam Cực sẽ chỉ khiến mực nước biển dâng từ 6cm đến 11cm vào cuối thế kỷ 21, ngang bằng với tốc độ tan băng hiện nay.
Các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều cảnh báo về lượng băng khổng lồ ở Nam Cực. Cụ thể, nếu tất cả các khối băng tan chảy, nó sẽ làm mực nước biển toàn cầu tăng 57m và nhấn chìm hoàn toàn các bờ biển trên thế giới.
Mặc dù những dự đoán trên không thể xác định được khoảng thời gian chính xác, nhưng những lo ngại đối với các dải băng ở phía Tây Nam Cực đang rất thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu về khu vực này. Được biết, trong trường hợp xấu nhất, việc sông băng Thwaites biến mất có thể sẽ khiến mực nước biển dâng lên 65cm. Sông băng Thwaites, còn được gọi là Sông băng Ngày tận thế, có kích thước bằng cả nước Anh và sâu 1km.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học tại Đại học King’s College, London, Vương quốc Anh cũng chỉ ra rằng mực nước biển sẽ tăng 0,5 cm mỗi năm vào năm 2100 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 3 °C.