Phát triển ngành đo đạc bản đồ bắt kịp công nghệ 4.0: Chiến lược mới - tầm cao mới

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 11:25, 06/05/2021

(TN&MT) - Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam vừa hoàn thiện những bản cuối cùng cho Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trình Bộ TN&MT, để Bộ trình Chính phủ phê duyệt. Đây là Chiến lược được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện nền tảng về dữ liệu thông tin để phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ hạ tầng số hướng tới một xã hội hiện đại.

Xung quanh các mục tiêu đặt ra tại Dự thảo Chiến lược này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

Ông Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết, tại sao trong giai đoạn này chúng ta phải xây dựng một Chiến lược mới phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia?

Ông Hoàng Ngọc Lâm:

Ngày 27/2/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020. Sau 12 năm thực hiện Chiến lược, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có bước phát triển toàn diện, trở thành một ngành điều tra cơ bản có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển đó, ngành Đo đạc và Bản đồ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn hiện nay như tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nền tảng diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và vật lý với các yếu tố cốt lõi: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới, đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với thông tin địa lý về độ chính xác, độ tin cậy và tính kịp thời.

Cùng với đó là quá trình đô thị hóa và sự hội nhập của các công nghệ thông minh, cùng với các mô hình quản trị hiệu quả dẫn tới xu hướng xây dựng các Thành phố thông minh với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu nền địa lý tích hợp với các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ kịp thời các dịch vụ của công dân, quản lý tốt việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững các nguồn lực.

Mặt khác, năm 2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, trong đó quy định Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trình Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, trước yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, đòi hỏi ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, Ban, ngành, giữa Trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực.

Vì vậy, để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trên, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 là hết sức cần thiết.

Nâng cao vị thế của công nghệ đo đạc bản đồ trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0

PV: Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ và Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 có những điểm mới nổi bật gì giúp giải quyết được những vấn đề cơ bản trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ hiện nay, thưa ông?

Ông Hoàng Ngọc Lâm:

Dự thảo Chiến lược được xây dựng các quan điểm phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Đo đạc và Bản đồ nói riêng, cụ thể là:

Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí.

Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Khung mục tiêu theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc về xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, Dự thảo Chiến lược đã đề ra các mục tiêu chia thành 2 giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, đảm bảo đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Theo đó, đến năm 2040 sẽ phát triển ứng dụng công nghệ thu nhận, xây dựng, cập nhật, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ, ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước phát triển trên thế giới, để phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xuất khẩu công nghệ đo đạc và bản đồ sang các nước trong khu vực.

PV: Được biết, ngày 30/10/2020, Bộ TN&MT đã có Tờ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Dự thảo Chiến lược. Để Chiến lược sau khi được phê duyệt được triển khai hiệu quả, trong thời gian tới Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung thực hiện các nhiệm vụ gì, thưa ông?

Ông Hoàng Ngọc Lâm:

Để Chiến lược sau khi được phê duyệt được triển khai hiệu quả, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới đó là: Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ. Trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27 quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 18 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng, hoàn thiện công trình hạ tầng đo đạc cụ thể là thực hiện tốt nhiệm vụ trong Dự án Hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biển đổi khí hậu tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển với kinh phí dự kiến, Dự án Hoàn thiện mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam.

Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, Ban, ngành, giữa Trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội với Dự án Xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam.

Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ; đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam; hướng dẫn tổ chức cá nhân nâng cao năng lực trong việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng trong hoạt động đo đạc và bản đồ, thiết lập hợp tác liên ngành, quan hệ đối tác cộng đồng nhằm thúc đẩy việc quản lý, trao đổi, tạo dựng, duy trì giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thủy (thực hiện)