Giảm phát thải khí nhà kính: Việt Nam tham gia sáng kiến thu hồi các chất F-gas
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:25, 06/05/2021
Nỗ lực giảm mức tiêu thụ F-gas
Trong những năm gần đây, nhu cầu về các thiết bị làm mát, dây chuyền làm lạnh tăng nhanh đã dẫn đến việc tiêu thụ các chất F-gas (phổ biến hiện nay là HFC, HCFC, CFC…) ngày càng tăng. Theo ước tính của Tổ chức khí tượng quốc tế và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, tổng lượng phát thải của các chất sẽ tăng lên 72 tỷ tấn CO2 tương đương trong 40 năm tới nếu không có giải pháp can thiệp.
Tại Việt Nam, thị trường lạnh và điều hòa không khí tăng trưởng từ 10 - 12% mỗi năm, mặc dù có bị giảm sút trong 2 năm trở lại đây do tình hình dịch Covid-19. Bởi vậy, lượng tiêu thụ các chất HFC cũng tăng dần theo năm. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2019 lượng tiêu thụ là trên 3,7 nghìn tấn, và tăng lên gần 6.000 tấn vào năm 2020. Các chất HFC hiện được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như điều hòa không khí thương mại/công nghiệp, làm lạnh gia dụng và thương mại, làm lạnh trong lĩnh vực vận tải…
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), hiện nay, song song với việc nghiên cứu, phát triển các chất làm lạnh mới có tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) thấp và thay thế các thiết bị làm mát cũ, ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến hoạt động thu gom và xử lý các chất F-gas sau khi sử dụng. Đây được xem là biện pháp giúp giảm thiểu các chất F-gas bị xả thải ra môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Giải quyết vấn đề phát thải các chất F-gas bằng phương pháp quản lý vòng đời sẽ góp phần tạo ra nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với nguyên tắc của Nghị định thư Montreal: “Số lượng các chất F-gas bị phá hủy bởi các công nghệ thích hợp có thể được trừ ra khỏi số lượng sản xuất của quốc gia đó”. Do vậy sẽ đóng góp vào lộ trình cắt giảm các chất bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi Kigali theo cam kết của quốc gia.
Tại Việt Nam, hoạt động kiểm soát việc tiêu thụ này còn gặp nhiều khó khăn do hiểu biết liên quan tới các quy định hiện hành và kinh nghiệm của Việt Nam còn chưa đủ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN&MT, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với phía Nhật Bản xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hợp tác về quản lý vòng đời của các chất F-gas giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn có liên quan trực tiếp đến các khí F-gas.
Nhu cầu về các thiết bị làm mát, dây chuyền làm lạnh đã dẫn đến việc tiêu thụ các chất F-gas ngày càng tăng. Ảnh: MH |
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhằm tăng cường công tác kiểm soát phát thải F-gas gây suy giảm tầng ô-dôn và biến đổi khí hậu, từ những năm 1990, Nhật Bản đã xây dựng một số quy định pháp luật như Luật Bảo vệ tầng ô-dôn, Luật về thu hồi và tiêu hủy F-gas; phê chuẩn Điều khoản sửa đổi Kigali với Nghị định thư Montreal; chương trình hành động sửa đổi Luật Bảo vệ tầng ô-dôn...
Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát F-gas của Nhật Bản, bà Osawa Yurie, Phó Giám đốc - Trưởng phòng Bộ Môi trường, Nhật Bản cho biết, theo Luật Sửa đổi năm 2018 về bảo vệ tầng ô-dôn, các nhà sản xuất và nhập khẩu HFC, CFC và HCFC đều được kiểm soát theo điều khoản sửa đổi Kigali để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giảm trừ sản xuất và tiêu dùng HFC. Nhật Bản cũng đưa ra quy định về các sản phẩm chỉ định. Theo đó, các công ty sản xuất và nhập khẩu hàng hóa nếu thuộc nhóm này cần đáp ứng mục tiêu giảm giá trị GWP, mỗi sản phẩm có thời hạn năm cụ thể, chậm nhất là đến năm 2024. Điều này nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ, vật liệu thay thế trong thời gian ngắn nhất để đáp ứng Kigali.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các bên liên quan trong vòng đời cũng được quy định cụ thể, bao gồm: nhà sản xuất F-gas, nhà máy sản xuất sản phẩm chỉ định, người dùng các thiết bị làm lạnh và điều hòa thương mại, các đơn vị đăng ký hoạt động nạp và thu hồi khí, các đơn vị được cấp phép tái chế/tiêu hủy khí, nhà thầu phá dỡ công trình và đơn vị thu gom thiết bị.
Với bối cảnh tại Việt Nam, theo ông Makoto Kato, đại diện Tổ chức JICA, Việt Nam cần cung cấp một khung hành động tăng cường kiểm soát F-gas, thông qua việc phát triển và xây dựng chi tiết hơn nữa phương pháp kiểm kê F-gas, xây dựng hệ thống đăng ký giám sát (gồm giấy phép và hạn ngạch sản xuất, xuất nhập khẩu). Để quản lý vòng đời F-gas hợp lý, cần tạo điều kiện để các nhà cung cấp dịch vụ thu hồi, xử lý, vận chuyển, tiêu hủy... phát triển năng lực và tăng cường hệ thống. “Sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan là điểm mấu chốt trong nỗ lực từng bước thực hiện quá trình này” - ông Makoto nhấn mạnh.
Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ dần các chất HFC, đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.
Trên thực tế, các chất F-gas vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Ước tính có khoảng 6% lượng phát thải khí CO2 tương đương đến năm 2030 liên quan đến việc sử dụng F-gas trên toàn cầu ngay cả khi tất cả các bên liên quan tuân thủ yêu cầu của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.