Hệ thống văn bản pháp luật Tài nguyên môi trường: Phát huy hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:25, 06/05/2021

(TN&MT) - Hệ thống pháp luật của ngành TN&MT được xây dựng và hoàn thiện, thực thi có hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định, giúp giải phóng các nguồn lực tài nguyên phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hiệu quả từ các văn bản pháp luật

Những năm qua, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, công tác lập Chương trình xây dựng luật của ngành TN&MT bảo đảm tính linh hoạt, tăng cường khả năng thích ứng nhanh của chính sách, pháp luật với các vấn đề kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã quyết liệt chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp về những lĩnh vực liên quan... Nhờ vậy, một số nội dung trọng tâm trong Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 ngành TN&MT đã đạt được kết quả tích cực.

Nổi bật phải kể đến việc toàn ngành tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Toàn ngành đã tiến hành hơn 7.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó, kiến nghị thu hồi gần 21,5 nghìn ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, qua đó, số lượng đơn thư giảm trung bình 9,0%/năm, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai giảm 38% so với giai đoạn trước.

Đồng thời, bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; cắt giảm bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% thủ tục hành chính của Bộ cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động; chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa...

Ngành TN&MT tăng cường phối hợp thanh kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: Tân Châu

Bám sát các mục tiêu trọng tâm

Năm 2021 là năm đầu thực Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, do đó, ngành TN&MT đã đặt ra các mục tiêu, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, Chương trình công tác Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình công tác năm 2021 của Bộ TN&MT, Bộ phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 23 văn bản (6 Nghị định, 2 Quyết định và 15 Thông tư).

Đối với các văn bản (20/23 văn bản) có thời hạn trình trong 9 tháng cuối năm 2021, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản đã chủ động thực hiện các quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cơ bản đáp ứng tiến độ. Hiện nay, đã thành lập các Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, Tổ Soạn thảo; một số đơn vị đã xây dựng dự thảo văn bản, thực hiện đăng tải dự thảo văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ của Bộ và lấy ý kiến Bộ, ngành, địa phương.

Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của ngành TN&MT bám sát 4 mục tiêu: Xây dựng hoàn thiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược về quản lý TN&MT ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Từng bước chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực; điều tra đánh giá tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng, hoàn thành cơ bản các hạ tầng phục vụ quản lý thông minh, từng bước hiện đại hóa ngành, thực hiện thành công việc chuyển đổi số, xây dựng dựng Chính phủ điện tử.

Hiện thực hóa mục tiêu đó, ngành TN&MT sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính từ Trung ương đến địa phương, tăng cường nguồn lực từ tài nguyên cho phát triển đất nước. Bên cạnh đó, thiết lập hàng rào kỹ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực, chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm trong tiến trình hội nhập; xây dựng giải pháp chiến lược để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Ngoài ra, Bộ cũng tập trung thanh tra, kiểm tra theo diện và theo chuyên đề để xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng TN&MT, đặc biệt đối với đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trong quý I/2021, Bộ thực hiện xử lý tổng số 2.551 hồ sơ (gồm 1.302 hồ sơ chuyển tiếp năm 2020 và 1.249 hồ sơ nộp mới năm 2021); các đơn vị đã thực hiện xử lý và trả kết quả cấp phép cho 1.502 hồ sơ (gồm 537 hồ sơ năm 2020 và 965 hồ sơ năm 2021), đạt tỷ lệ hoàn thành là 58,8%, tăng so với cùng kỳ năm trước 7,1% (quý I/2020 đạt tỷ lệ hoàn thành là 51,7%).

Phương Anh