Quản lý đất đai: Bảo đảm công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 11:24, 06/05/2021

(TN&MT) - Tăng cường quản lý quy hoạch, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin cho người dân là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của chương trình hành động, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của ngành tài nguyên và môi trường.

Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

Theo Bộ TN&MT, trong giai đoạn 2016 - 2020, về công tác quản lý đất đai, ngành đã đưa hơn 63 nghìn ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch gần 230 nghìn ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị.

Đặc biệt, đã xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30 nghìn ha. Hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400 nghìn ha.

Đồng thời, thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất, đóng góp từ 12% - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm (năm 2019 đạt 192 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần năm 2015). Hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đối với 97,36% diện tích cần cấp, tăng 3,3 triệu giấy so với năm 2016. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 185 huyện, quận; 8 tỉnh thành đã thực hiện liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao.

Trong quý I/2021, ngành đã chủ động các giải pháp đảm bảo mặt bằng cho triển khai các dự án đầu tư, nguồn lực đất đai tiếp tục đóng góp quan trọng trong thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, đã tập trung thực hiện Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và triển khai Dự án Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai; Hoàn thành kiểm kê đất đai và xây dựng Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; điều tra, khảo sát huy động đội ngũ chuyên gia lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương lập Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 và phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 để đảm bảo quỹ đất cho thực hiện các dự án đầu tư. Hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tập trung tái cấu trúc Dự án tăng cường năng lực quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (ViLG); đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu của 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện.

Trong quý I/2021, đã hoàn thành xử lý 65 hồ sơ về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Lũy kế hoàn thành 88% khối lượng công việc rà soát, cắm mốc ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với 95,1% diện tích đất do công ty nông nghiệp, lâm nghiệp sử dụng. Kịp thời chỉ đạo các địa phương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất đối với việc sốt đất trong thời gian vừa qua; hướng dẫn đôn đốc các địa phương trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thẩm định 40 khung chính sách đối với các dự án đầu tư công trọng điểm. Nguồn thu từ đất trong quý I/2021 đạt 32,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12%thu ngân sách nội địa.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ đất đóng góp 12% - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm

Tập trung tổng kết Nghị quyết số 19

Bộ TN&MT cho biết, trong quý II/2021 sẽ triển khai tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết và tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Đồng thời, xây dựng Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm 2022.

Đặc biệt, Bộ sẽ theo sát diễn biến từ thực tiễn, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật trong bối cảnh Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng…

Bộ TN&MT cũng cho biết, theo mục tiêu, chiến lược của chương trình hành động, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của ngành tài nguyên và môi trường đề ra các nhiệm vụ về quản lý đất đai gồm: Tăng cường quản lý quy hoạch, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin của người dân. Hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các đô thị, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số “đăng ký đất đai” và “chất lượng quản lý hành chính đất đai” tăng 5 - 10 bậc so với năm 2020. Hoàn thiện cơ chế và điều kiện thực thi để tổ chức phát triển quỹ đất tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, sẽ xây dựng mạng lưới giá đất, thửa đất chuẩn, thông tin giá đất thị trường và bản đồ giá đất. Hoàn thành Đề án về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh. Triển khai các mô hình tập trung, tích tụ đất đai phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Trường Giang