Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm khi đường đê hữu Hồng gãy nứt?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:20, 06/05/2021

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được thông tin phản ánh về Dự án nâng cấp đê hữu Hồng bị gãy dọc đường hành lang thượng lưu và gãy dọc mặt đê chiều dài 15 – 25m tại K46+160. Tuy nhiên, “thủ phạm” gây ra hậu quả trên và ai chịu trách nhiệm thì vẫn chưa ngã ngũ?!

Được biết, theo Quyết định số 4417 ngày 30/10/2017, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 (Ban 1) được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ Chủ đầu tư Dự án nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và K40+350 đến K47+980, thuộc địa bàn huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội.

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, đường giao thông mặt đê được thiết kế với tải trọng trục xe 10 tấn, đường hành lang chân đê được thiết kế với tải trọng trục xe 6 tấn. Dự án được triển khai thi công, hoàn thành tháng 12/2019 và chính thức bàn giao tháng 5/2020.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng triển khai thi công bể chứa nước tại khu vực cạnh trạm bơm Đan Hoài được cho là "thủ phạm" chính gây ra gãy nứt đường

Tuy nhiên, từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2021 Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng triển khai thi công bể chứa nước tại khu vực cạnh trạm bơm Đan Hoài. Nhà thầu thi công bể chứa nước đã đào toàn bộ phần đất tiếp giáp với đường hành lang thượng lưu để thi công công tác cọc cừ, chiều sâu chênh lệch mặt đê, đường hành lang so với cao trình đáy hố móng bể chứa nước khoáng từ 20-22m. Do đó, việc thi công đã tạo ra các cung trượt sâu tại mặt đê và đường hành lang, gây nên gãy dọc đường hành lang thượng lưu chiều dài 15-20m và gãy dọc mặt đê chiều dài 20-25m tại khu vực thi công.

Sau đó, ngày 29-30/4/2021 nhà thầu thi công bể chứa nước đã cho xử lý các khe nứt gẫy bằng trát vữa xi măng, nhựa đường, tuy nhiên các khe nứt gãy ngày càng mở rộng gây mất an toàn công trình và an toàn giao thông. Điều đáng lưu ý, gói thầu này (K40+350 đến K47+980) đang còn thời gian bảo hành công trình.

Phóng viên liên hệ tới Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập, vị đại diện công ty cho biết: Gói thầu này là liên danh Công ty Tự Lập và Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội thi công. Đoạn gãy nứt K46+160 thuộc Công ty Xây dựng số 2 Hà Nội thi công, bạn có thể liên hệ tới đó để tìm hiểu rõ hơn.

Tuyến đường được sửa chữa sơ sài và vẫn có dấu hiệu lún, nứt tiếp

Sau đó, phóng viên liên hệ đặt lịch làm việc và được đại diện Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội cho biết: Chúng tôi đã bàn giao dự án cách đây 1 năm. Sự cố gãy, nứt này Chi cục Đê điều và Phóng chống lụt bão Hà Nội đã làm việc với Công ty Nước mặt Sông Đuống, họ đã đào vào tuyến đê này và họ làm nứt cái này. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã làm với Công ty Nước mặt Sông Đuống, cuộc làm việc đó chúng tôi không được mời vì chúng tôi đã bàn giao công trình cho UBND huyện Đan  Phượng và Chi cục rồi. Vị đại diện này cho biết thêm:Việc bảo hành mà bong, chóc hoặc có tác động gì đến, ví dụ như đang đi bình thường bị bong, chóc thì trách nhiệm bảo hành của chúng tôi. Tuy nhiên, cái này do tác động của công trình khác đang thi công cạnh đó, chứ không phải lỗi do của chúng tôi thi công.

Tại Công văn số 182/BQL-DA1.3 ngày 4/5/2021 Ban 1 đã đề nghị Chi cục Phòng, Chống thiên tai Hà Nội xem xét, báo cáo các cấp thẩm quyền và yêu cầu Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công, Tư vấn thiết kế dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp để xử lý các cung trượt gây nên gãy dọc mặt đê và đường hành lang thượng lưu để công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Chủ đầu tư "cầu cứu" các đơn vị liên quan

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, vừa qua UBND huyện Đan Phương và một số đơn vị liên quan đã họp để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra phương án kỹ thuật xử lý. Điều lạ là 2 liện doanh Công ty Tự Lập và Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội thi công gói thầu bị ảnh hưởng trên lại không được mời làm việc, mặc dù đang trong giai đoạn bảo hành?!

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Dự án được thiết kế mặt đê với tải trọng trục xe 10 tấn, đường hành lang chân đê được thiết kế với tải trọng trục xe 6 tấn, bàn giao tháng 5/2020, những gần đây đã xuất hiện nhiều chỗ lún, nứt, chắp vá.... Nghiêm trọng hơn, hàng ngày trên cung đường này xuất hiện đội quân xe tải trọng lớn chuyên chở vật liệu xây dựng, đây là một trong những nguyên nhân góp phần tuyến đường nhanh xuống cấp.

 

Doãn Xuân - Quán Dũng