“Mở đất” từ quai đê lấn biển
Tài nguyên - Ngày đăng : 07:00, 05/05/2021
Lùi về lịch sử từ những năm 1827, nhận thấy việc khai khẩn những rẻo đất hoang màu mỡ, kết hợp quai đê lấn biển theo các cồn cát đã được pha trộn đất phù sa trải dài khắp vùng cửa các dòng sông lớn đổ ra biển là một cách xóa đói giảm nghèo khá nhanh... khi đang quai đê Tiền Hải (nay thuộc Thái Bình), Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ đã cho người sang Ninh Bình khảo sát thực địa, để chuẩn bị khẩn hoang sao cho xứng tầm với vùng đất giàu tiềm năng.
Vùng cửa biển ở Ninh Bình thời ấy vốn có tiếng là dữ dằn, gió to, sóng lớn. Cả một vùng bãi bồi, sình lầy, lau lách trải ra mênh mông, nên việc đi lại để quai đê đắp đường, đào sông gặp không ít khó khăn. Song nhờ tài tổ chức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo với 63 vị chiêu mộ, thứ mộ, 1.200 nhân đinh, sau hơn 1 năm, cụ Nguyễn Công Trứ đã hoàn tất việc quai đê, lấn biển Kim Sơn.
Vùng bãi bồi Kim Sơn |
Kể từ đó đến nay, Kim Sơn trải qua thêm nhiều lần quai đê, lấn biển, chinh phục bãi bồi, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi như: Ðắp đê Bình Minh (BM)1 năm 1959 - 1960; đắp đê BM2 năm 1981; đắp đê BM3 năm 2008 và năm 2020 đắp đê BM4... đã tăng diện tích tự nhiên của huyện Kim Sơn lên bốn lần. Toàn huyện giờ đã có hệ thống đê quai dài hàng chục km, kiên cố che chắn sóng gió trong những ngày mưa bão. Những con đê quai bằng rọ đá, bề mặt đổ bê-tông sừng sững như bức tường thành cũng chính là giao thông huyết mạch của các xã ven biển…
Mồ hôi, nước mắt, nụ cười... chinh phục biển cả
Lịch sử đã ghi nhận các thế hệ người dân Kim Sơn tiên phong, gắn bó với hành trình quai đê lấn biển, với biết bao mồ hôi, công sức, máu và nước mắt, đấu tranh vật lộn, vượt qua những khắc nghiệt của gió, của nước lập nên những kì tích trước thiên nhiên. Những người quai đê, lấn biển, có người thành công, có người thất bại. Và những ai không gục ngã, kiên cường đi trọn được con đường đầy thử thách này đã viết nên trang sử lấn biển đầy tự hào từ chính nghị lực và mồ hôi, nước mắt mình...
Theo lời kể của người dân nơi đây, đê Bình Minh 1 được hình thành từ trước những năm 1970, hồi ấy máy móc chưa có, tất cả công việc lấn biển đều làm bằng sức người. Cả trăm lao động như bức tường thành trước sóng gió, xúc từng xẻng đất, chuyền tay nhau đổ xuống biển. Cứ hùng hục sức người đấu với biển cả. Từng hòn đất được đào lên, chuyền tay nhau ném xuống. Nhưng ác nỗi lúc đắp thủy triều cạn, sau một đêm triều vào thì sáng sau con đê mất đến bảy phần. Để đắp được một mét đê dưới bãi biển, đổ mồ hôi sôi nước mắt gấp ba, bốn lần trên đồng vẫn chưa xong. Có khi gặp bão tố dồn dập, tất cả ngậm ngùi nhìn đoạn đê mới tạm nổi lại bị sóng quật vỡ tan. Cứ thế, họ vẫn làm, làm bằng tất cả nghị lực và ý chí, con đê Bình Minh 1 cũng hình thành với chiều dài 7,5km.
Mỗi năm vùng ven biển Kim Sơn lại được thiên nhiên ưu đãi, ban phát hàng trăm ha đất phù sa lấn ra biển. Ông Đoàn Quốc Trung - Phó trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Sở NN&PTNT Ninh Bình - người đã đồng hành với hành trình quai đê đầy gian khổ ở vùng bãi bồi Kim Sơn chia sẻ, để giữ của “trời cho”, công cuộc quai đê, lấn biển tiếp tục là cuộc đấu quyết liệt với “thần” biển. Sau đê Bình Minh 1; đê Bình Minh 2 được đắp với chiều dài theo quy hoạch hiện nay là 25,2km. Đê Bình Minh 2 khớp nối với đê Bình Minh 1 tạo thành một vùng bãi bồi rộng 2000 ha trù phú thuộc địa bàn ba xã bãi ngang: Kim Hải, Kim Ðông và Kim Trung.
Đê Bình Minh IV đang trong quá trình triển khai |
Nhớ lại hồi quai đê Bình Minh 3, ông Trung bồi hồi, khó khăn nhất khi quai đê lấn biển là địa nền, địa chất ở các tuyến đê rất yếu. “Hồi đắp đê Bình Minh 3, tôi cùng ông chủ đơn vị thi công đê thời ấy - thường xuyên ăn ngủ lại hiện trường. Có những hôm đã đắp đê quai, bơm nước đến lại bị biển động lớn, sóng đánh đê quai vỡ sạch, nước tràn hết vào trong hồ móng, hôm sau lại phải bơm lại từ đầu”, ông Trung kể.
Theo ông Trung, thời điểm tiến hành đắp đê Bình Minh 3 đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước do đã áp dụng được những công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thi công. Nếu như trước đây đất đắp đê thường chuyển từ nơi khác đến, nhưng ở môi trường biển, nước thường xuyên lên xuống, có khi đất đổ xuống lại bị nước biển xâm nhập cuốn hết ra ngoài. Do vậy đơn vị thi công đã quyết định áp dụng “bơm đất tại chỗ để đắp đê”. Đê Bình Minh 3 hoàn thành đấu nối với đê Bình Minh 2 đã khoanh vùng đất lấn biển rộng hơn 1.791 ha, nay là nơi nuôi trồng thủy hải sản của bà con.
Hiện đê Bình Minh 4 vẫn trong quá trình triển khai, hàng chục km đê từ Bình Minh 1 ra Cồn Nổi đang kiên cường chặn đứng những ngọn sóng cuồn cuộn nối tiếp nhau mùa biển động. Bên trong, các đầm tôm, ngao bình yên chờ ngày thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi tham quan bãi đầm lấn biển của mình, một người dân đang sản xuất tại vùng bãi bồi Kim Sơn rực ánh mắt nghị lực: “Mang ý chí tiếp nối người xưa mở đất, người dân Kim Sơn năng động lợi dụng thủy triều để chuyển đổi đất bãi bồi, đất trồng cói trước đây kém hiệu quả sang nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ chân trắng, theo hình thức quảng canh, nuôi công nghiệp và nuôi theo dự án VietGAP”.
“Đổi thay” đất bồi
Việc người dân mở rộng nuôi trồng thủy sản ở vùng đê Bình Minh 1,2,3 và 4 đã khiến vùng đất này trở nên sôi động với hàng nghìn hộ làm nghề và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động từ dịch vụ nghề cá.
Theo số liệu rà soát của UBND huyện Kim Sơn, đến nay, khu vực từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi có hàng nghìn hộ dân đang sử dụng khai thác và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, khu vực từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3 có gần 1.000 hộ với diện tích hơn 1.791ha; khu vực từ đê Bình Minh 3 đến Cồn Nổi với diện tích gần 5.211 ha.
So với các tỉnh trong khu vực, nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn có nhiều thuận lợi bởi nơi đây giáp với vùng nội đồng nên có thể nuôi thả thủy sản dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó sự đầu tư lớn trong việc quai đê lấn biển đã giúp vùng nuôi trồng thủy sản của Kim Sơn có độ an toàn cao.
Nhiều dự án đã và đang được triển khai ở vùng bãi bồi Kim Sơn |
Ông Đinh Việt Dũng, Bí thư huyện uỷ Kim Sơn cho hay, những năm gần đây, xác định kinh tế biển đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều dự án đã và đang triển khai như: Dự án nâng cấp đê Bình Minh; dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, hải sản theo hướng công nghiệp vùng bãi bồi ven biển, dự án đường giao thông,… qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản vùng bãi bồi nói riêng…
Sắp tới, tỉnh Ninh Bình cũng hoàn thiện quy hoạch chi tiết cho vùng kinh tế bãi bồi Kim Sơn. Đó sẽ là cơ sở tạo ra các hành lang phát triển bằng hạ tầng giao thông, tạo khu dân cư mới. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ… ở vùng bãi bồi.
Bây giờ về bãi bồi Kim Sơn, Ninh Bình chúng ta mới thấy cảm phục ý chí kiên cường lấn biển, mở đất đến cùng của bao thế hệ người nơi đây trước thiên nhiên khắc nghiệt và cả những “cơn sóng gió” trong lòng người. Đó là thế hệ con cháu những nông dân nghèo khổ từng theo cụ Nguyễn Công Trứ đi quai đê, lấn biển, mở mang đất mới. Và họ tiếp tục đổ mồ hôi, nước mắt theo bước chân tổ tiên mình...