Công ty Việt Úc - Bến Tre: Ngang nhiên xây dựng nhà nuôi chim yến trên đất nông nghiệp
Tiếng dân - Ngày đăng : 14:14, 04/05/2021
Công trình nhà nuôi chim yến được Công ty Việt Úc - Bến Tre xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản |
Thách thức dư luận
Thời gian qua, nhiều người dân tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) rất bức xúc trước hành vi của Công ty Việt Úc - Bến Tre tự ý san lấp mặt bằng, tập kết vật tư, xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp, nằm ven bờ đê kênh rạch, đây cũng là con đường lưu thông duy nhất của hàng chục hộ dân nơi đây vận chuyển hàng hoá ra vào để làm ăn sinh sống và phục vụ nhu cầu sản xuất nghề muối và nuôi trồng thủy sản.
Theo quan sát của phóng viên, nằm dọc bên bờ đê kênh rạch, cạnh bên khu ao nuôi tôm của Công ty Việt Úc - Bến Tre trên địa bàn ấp Thạnh Ninh, xã Bảo Thuận đang hiện diện một công trình kiên cố là ngôi nhà nuôi chim yến rất hoành tráng, đã được xây dựng cơ bản hoàn thành với diện tích mặt bằng lên đến hàng trăm mét vuông.
Qua tìm hiểu, nhiều người dân nơi đây cho rằng, công trình nhà nuôi chim yến này đã được khởi công xây dựng suốt nhiều năm qua. Vì thế, người dân rất bức xúc và đặt vấn đề: “đây là khu đất công, đất do Nhà nước quản lý rồi lấy cho doanh nghiệp thuê để nuôi trồng thủy sản thì tại sao doanh nghiệp này lại ngang nhiên xây dựng công trình trái phép suốt thời gian dài vẫn chưa được các cấp, các ngành và địa phương xử lý”?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: “Lúc đầu, Công ty Việt Úc - Bến Tre cho rằng xây dựng nhà ở cho công nhân của công ty. Nhưng khi công trình hoàn thành, phát hiện đây là nhà nuôi chim yến, sai mục đích sử dụng đất, nên vào cuối tháng 01/2021, xã Bảo Thuận đã có văn bản báo cáo, kiến nghị UBND huyện và Phòng TN&MT huyện Ba Tri xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng, nhưng vẫn chưa có đơn vị nào trả lời về nội dung kiến nghị này”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Lâm - Trưởng phòng TN&MT huyện Ba Tri thì cho rằng, đơn vị đã nhận được báo cáo từ UBND xã Bảo Thuận. Đến nay, UBND huyện Ba Tri cũng chưa có ý kiến chỉ đạo, giao cho Phòng TN&MT xử lý về vụ việc này. Thế nhưng, theo ông Lâm, Phòng TN&MT huyện tới đây sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra thực tế để có cơ sở đề xuất với UBND huyện xử lý theo quy định.
Ngày 4/5, liên lạc qua điện thoại với ông Dương Minh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, ông Tùng cho biết, bản thân ông chưa nhận được báo cáo từ UBND xã Bảo Thuận. Tuy nhiên, theo ông Tùng, đây không phải là thẩm quyền của huyện, nếu khi nắm được sự việc thì UBND huyện sẽ lập văn bản báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, do đơn vị này là nơi cấp chứng nhận đầu tư đối với Công ty Việt Úc - Bến Tre.
Trong quá trình xây dựng nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp đã tập kết vật tư tràn lan ra đường, cản trở lối đi của người dân |
Người dân thắc mắc
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vào ngày 28/11/2014, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định thu hồi 56,4 ha đất do UBND xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) quản lý giao cho Công ty Việt Úc - Bến Tre thuê thời hạn 50 năm với mục đích sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Thời điểm giao đất, do khu đất nằm bên trong không có đường đi vào nên doanh nghiệp này đề nghị UBND xã Bảo Thuận xem xét cho mở lối đi trên đất đê quốc phòng, đồng thời vận động một hộ dân giao một phần đất diện tích 290m2 để UBND xã quản lý. Sau đó, xã Bảo Thuận tạm thời giao cho Công ty Việt Úc - Bến Tre san ủi, trải đá để tận dụng làm lối đi công cộng.
Và cũng chính từ đây, Công ty Việt Úc - Bến Tre xem là đường riêng, đường nội bộ của công ty, nên doanh nghiệp này cho lắp barie, dựng rào chắn, cấm cản các phương tiện của người dân ra vào. Thậm chí, ở cạnh bờ rào khu đất nuôi trồng thủy sản này là tuyến bờ đê của con rạch, công ty vẫn quản lý nghiêm ngặt, khiến người dân địa phương bất bình.
Trong khi đó, phía sau khu đất của Công ty Việt Úc - Bến Tre được Nhà nước giao là khu vực có hàng chục hộ dân với hàng trăm héc-ta đất sản xuất muối và canh tác ngư trường nuôi tôm cá. Ngoài ra, tuyến đường dọc các bờ đê còn có Trạm Kiểm soát Biên phòng, người dân làm ăn sinh sống ở vùng ven biển cũng ra vào trên các đê bao, kênh rạch này.
Thậm chí, khi người dân kéo điện trên bờ rạch để đưa vào vuông nuôi tôm để phục vụ sinh hoạt, thì người của công ty lại nhổ bỏ, di dời trụ điện sang phía bờ rạch bên kia, không cho bà con làm bất cứ việc gì trên các trục đê bờ. Từ khi xây dựng công trình nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp đã tập kết vật tư xây dựng tràn lan ra đường, cất nhà chồi chiếm dụng bờ đê gây khó khăn cho cho việc lưu thông của người dân.
Mãi cho đến khi người dân rầm rộ phản đối, khiếu nại thì các cấp, các ngành mới vào cuộc, làm việc, phân tích đê quốc phòng, bờ kênh rạch là đất do Nhà nước quản lý, địa phương thường xuyên nạo vét khai thông nhằm mục đích phục vụ công cộng. Miễn cưỡng, Công ty Việt Úc - Bến Tre mới đành chấp nhận tháo dỡ vật cản, tạo thông thoáng cho mọi người lưu thông.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt dự án sai phạm trong lĩnh vực tài chính đất đai tại Bến Tre trong giai đoạn 2015-2018, trong đó có việc giao, cho thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Khi biết được diện tích 56,4 ha đất công mà UBND tỉnh Bến Tre đã lấy giao cho Công ty Việt Úc - Bến Tre thuê thời hạn 50 năm nhưng lại được ưu đãi miễn toàn bộ (100%) với số tiền gần 29 tỷ đồng khiến cho nhiều người dân, kể cả cán bộ tỏ ra thắc mắc, không hài lòng.
Bởi theo họ, Bảo Thuận là xã biên giới biển, kinh tế đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn do thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, trong khi ngân sách địa phương cũng đang gặp khó trong giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội. Thế nhưng, UBND tỉnh Bến Tre lại giao đất công cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá theo quy định để giúp tăng nguồn thu ngân sách mà còn “khuyến mãi” luôn tiền thuê đất.
Hiện, dư luận tại Bến Tre đang quan tâm đến việc giao, cho thuê quỹ đất công tại địa phương trong thời gian qua. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các tình tiết và thủ tục thu hồi, giao đất do Nhà nước quản lý cho Công ty Việt Úc - Bến Tre.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc về sự việc này.